Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Fansipan - Đỉnh nóc nhà của Tổ quốc

Dulichbui's Blog - 600 triệu năm về trước, khắp vùng Tây Bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới sóng biển. Sau ba kỳ vận động tạo sơn, mãi đến thời kỳ tân kiến tạo cách ngày nay trên một trăm triệu năm, Hoàng Liên đột ngột nhô thành một dãy núi trùng điệp.
Với chiều dài 280 km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75 km, hẹp là 45 km, gồm 3 khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ và bí ẩn nhất chính là đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 m. Cả khối là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, ẩn chứa cả một thảm thực vật với hơn 700 loài đặc hữu.
Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dày tạo nên những địa danh Cốc Lừu (gốc gạo), Cốc San (gốc mít) v.v... Từ đây đến độ cao 700 m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700 m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơ mu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơ mu còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn v.v... Các cây lá kim ken dày với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập ngàn trong muôn sắc màu hoa hồng, lay ơn, thược dược, bgônha, estcola v.v... và nhiều loài hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng, ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.

Sa Pa - Phan Si Păng còn là xứ sở của các cây ăn quả miền ôn đới như đào, mận, lê... đầu mùa có loại đào to, thơm, vị ngọt mát. Cuối tháng sáu là đào địa phương, quả ửng hồng. Cuối mùa là đào vàng, ăn ngọt hương vị đặc biệt quyến rũ, mận ở Sa Pa có nhiều loại, nhưng ngon nhất, đẹp nhất là mậm tím Tả Van, quả sai trĩu cành.

Lên cao 2.400m, gió mây quyện hòa với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25 - 30 cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này còn gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ cúc, họ hoàng liên v.v... Đất xương xẩu trơ đá gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá nhưng những cây hoàng liên vẫn vươn lên miệt mài.

Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! tiếng địa phương gọi “Hua - Si - Pan” nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.

Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.

Theo BTC chương trình du lịch về nguồn 2010

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Lonely Planet Travel Blogger Awards sẽ trở lại

Dulichbui's Blog - Theo thông tin từ Lonely Planet, cuộc bình chọn Lonely Planet Travel Blogger Awards 2010 sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 3 năm 2010.
Cũng giống như cuộc bình chọn Lonely Planet Travel Blogger Awards 2009, năm nay vòng thi đầu tiên sẽ là ... đề cử trước khi tiến hành bầu chọn. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, thể lệ chi tiết của cuộc bình chọn năm 2010 vẫn chưa được công bố. Theo Matthew Cashmore một tác giả trong nhóm của Lonely Planet tất cả thể lệ, giải thưởng của cuộc bình chọn Lonely Planet Travel Blogger Awards 2010 sẽ được công bố vào tháng 3 tới đây.

Cuộc bình chọn Lonely Planet Travel Blogger Awards 2009 đã có 14 hạng mục được trao như: Best Destination Blog, Best Expat Blog, Best Consumer Travel Blog, Best Travelogue, Best non-English Travel Blog, Best Micro-blogging, Best Image Blog, Best Themed Blog.... Các Blog được chấm điểm theo hình thức 50-50: 50% số điểm sẽ do đọc giả chấm theo hình thức bỏ phiếu trực tuyến, 50% còn lại do các tác giả thuộc Lonely Planet chấm.
Trong cuộc bình chọn Lonely Planet Travel Blogger Awards 2009, Dulichbui's Blog (lúc bấy giờ hoạt động với tên miền http://dulichbonmua.blogspot.com) đã lọt vào vòng chung kết ở hạng mục Blog tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Thông tin chi tiết về cuộc bình chọn sẽ được Dulichbui's Blog cập nhật trong thời gian tới!

Nguyễn Tùng Lâm

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Bia hơi Hà Nội trong mắt người Mỹ

Dulichbui's Blog - Theo Lonely Planet, một trong những điều thú vị nhất nên làm khi đến Việt Nam là thưởng thức bia hơi... Bài viết dưới đây là trải nghiệm của Phóng viên Russ Juskalian của New York Times với bia Hà Nội. Bài viết được dịch bởi Hải Minh được đăng trên Vnexpress ngày 22 tháng 2 năm 2010, Dulichbui's Blog xin được chia sẻ cùng các bạn bài viết này.

Xem bài viết gốc bằng tiếng Anh tại đây

Len lỏi qua các đường ngang ngõ tắt của Hà Nội, du kháchcó thể thấy những quán bia hơi ở mọi góc đường với những chiếc bàn nhựa cao đến đầu gối và những chiếc ghế hình bán nguyệt ken dày trên vỉa hè.
Bia hơi ở đây có nồng độ cồn thấp (chỉ từ 2 đến 4%). Bia được làm từ chế độ ủ không tiệt trùng, không chất bảo quản. Nó được sản xuất trước khi mặt trời mọc và thường được uống sạch trước khi hoàng hôn xuống. Nhiều người uống bia từ 8h sáng, bởi theo họ thì sau giờ này, hương vị thơm ngon nhất của bia bị giảm đi nhiều.
Những quán bia hơi ngon nhất ở Hà Nội đều phục vụ loại bia mát lạnh với mùi vị rõ ràng từ gạo và một chút thoang thoảng mùi của cây hoa bia (hublông). Ban ngày đi qua những quán này rất dễ gợi chuyện với dân địa phương. Nhưng vào buổi tối, những khách quen đi nhậu có vẻ quá bận rộn nói chuyện nên không để ý tới du khách ngang qua. Người bán hàng rong thì luôn lượn lờ xung quanh chào mời đồ ăn kèm như thịt nướng, mực khô, bánh bao nhân thịt và mỳ.
Tôi thử uống ở hai quán bia hơi tươi nhất trong thành phố là 22 Hàng Tre và 19C Ngọc Hà. Ở cả hai nơi, bia đều ít gắt, nhẹ và phảng phất mùi rơm và gạo - khác xa với những loại bia nồng độ cồn cao và mạnh mà người Mỹ quen uống. Nhiều tối, tôi đã lang thang ở khu vực ngã tư Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện, khu tập trung đông đúc du khách nước ngoài và những người Việt Nam nói tiếng Anh. Góc đường này còn được biết đến là góc bia hơi.
Bia ở đây lấy từ một nhà máy bia nhỏ, chất lượng thay đổi theo từng mẻ. Giá bia rất rẻ, "rẻ hơn cả nước lã", một người đàn ông Việt Nam nói vậy. Rẻ đến nỗi những dân địa phương thường mua một cốc uống thử xem chất lượng bia trong ngày thế nào trước khi quyết định có ngồi lại không.
Bia cũng giúp việc bắt chuyện ở những góc phố này trở nên thú vị hơn. Một tối tôi nói chuyện về bầu cử Mỹ với một kỹ sư hóa người Việt 26 tuổi. Ngày tiếp theo tôi lại chia sẻ kinh nghiệm trả tiền hoa hồng khi ăn tối ở New York với một cựu đầu bếp đến từ khu Queens, New York.
Vào ngày cuối cùng ở Hà Nội, sau khi thăm lăng Hồ Chủ tịch, tôi dừng chân ở góc bia hơi. Ngồi trên mép ghế nhựa ở vỉa hè, tôi nhìn những người bán hàng rong gánh xoài đi qua, những chiếc xe máy chở nhiều người và hàng hóa đánh võng trên đường. Thỉnh thoảng, tôi thấy các cô thiếu nữ đi dạo cùng bà trong bộ đồ ngủ và dép xỏ ngón.
Ngay sau đó, tôi cũng phải lao vào dòng người xuôi ngược trên phố và bị kẹt cứng trên đường tới sân bay. Thế nhưng sau khi nếm thử văn hóa bia hơi của thành phố này, tôi cũng không vội gì mà gói hành lý.

Một số quán bia theo gợi ý của tác giả:
Tại Tp.HCM:
Hoa Vien Bräuhaus
28 bis Mạc Đỉnh Chi, Quận 1.
Điện thoại: 84-8 3-829-0585
Homepage: hoavien.vn

Nguyen Du Brauhof
98 Nguyễn Du, Quận 1
Điện thoại: 84-8 3-822-6891

Lion Brewery Restaurant
11C Công trường Lam Sơn, Quận 1
Điện thoại: 84-8 3-823-8514

Tại Nha Trang:
Louisiane Brewhouse
Lot 29, Tran Phu Street
Điện thoại: 84-58 3-521-948 hoặc 84-58 3-521-831;
Homepage: louisianebrewhouse.com.vn

Tại Hà Nội:
19C Ngọc Hà, Quận Ba Đình.
22 Hàng Tre, Quận Hoàn Kiếm

Dulichbui's Blog (Theo Vnexpress, Nytimes)

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Dịch vụ 3G của Viettel đã có mặt trên toàn quốc

Dulichbui's Blog - Theo thông tin từ Viettel Mobile, Từ ngày 20/1/2010, Công ty Viễn thông Viettel mở rộng triển khai kinh doanh thử nghiệm dịch vụ 3G ra thêm 25 tỉnh, thành phố (bao gồm: Hà Nội; Hà Tĩnh; Ninh Bình; Hà Nam; Nam Định; Thái Bình; Hưng Yên; Hải Phòng; Bắc Ninh; Hòa Bình; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Nghệ An; Thanh Hóa; Quảng Bình; Hải Dương; Quảng Ninh; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Lai Châu; Điện Biên; Bắc Kạn; Sơn La). Như vậy, với động thái mới này, dịch vụ 3G của Viettel đã có mặt ở phạm vi 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trong thời gian cung cấp thử nghiệm dịch vụ 3G tại 25 tỉnh nêu trên, Viettel ưu tiên phủ sóng 3G tại các trung tâm huyện, tỉnh (Riêng tại Thành phố Hà Nội, sóng 3G đã phủ toàn bộ địa bàn).
Các dịch vụ Viettel cung cấp cho thuê bao 3G trong thời gian thử nghiệm bao gồm: 03 dịch vụ cơ bản: Video Call, Mobile Internet, D-com 3G (tên gọi mới của dịch vụ Mobile Broadband) và 08 dịch vụ GTGT: MobiTV, Imuzik 3G, Mclip, Vmail, Websurf, Mstore, Wapsite tiện ích 3G, Game online.
Để đăng ký sử dụng dịch vụ Viettel 3G, các bạn chỉ cần soạn tin với cú pháp 3G ON gửi 161. Sau khi đăng ký thành công, thuê bao được giữ nguyên tính chất gói cước cũ, bảo lưu các dịch vụ giá trị gia tăng đã đăng ký trên 2G (trừ dịch vụ Data) và được kích hoạt thêm 2 dịch vụ mặc định cho thuê bao 3G là Video call và Mobile Internet.
trong thời gian kinh doanh thử nghiệm, thuê bao ở 25 tỉnh, thành phố mở rộng kinh doanh thử nghiệm được hưởng nhiều ưu đãi từ các dịch vụ 3G của Viettel: Gọi Video call nội mạng với giá cước bằng với giá voice call nội mạng (trong thời gian thử nghiệm, Viettel chỉ cung cấp dịch vụ Video call nội mạng).
Đặc biệt, các thuê bao nhận được tin nhắn từ 199 mời thử nghiệm dịch vụ, đăng ký sử dụng Viettel 3G trong khoảng thời gian từ ngày 20/01- 31/01/2010 sẽ được miễn phí đăng ký/duy trì dịch vụ 3G, miễn cước thuê bao tất cả các dịch vụ giá trị gia tăng 3G và tặng 300MB lưu lượng data (để truy cập Internet, nhận, gửi mail, sử dụng dịch vụ iMuzik 3G, chơi game online, xem video theo yêu cầu-VOD. Viettel không bảo lưu 300 MB miễn phí này nếu thuê bao chuyển đổi sang các gói cước Data 3G khác). Cước vượt lưu lượng 300 MB miễn phí tính theo giá cước của gói cước MI0. Chương trình chỉ áp dụng cho thuê bao nhận được tin nhắn mời thử nghiệm từ tổng đài 199 và đăng ký 3G lần đầu tiên. Không áp dụng cho thuê bao đăng ký 3G nhiều lần.
Các thuê bao không nhận được tin nhắn mời sử dụng dịch vụ 3G tại 25 tỉnh/thành phố mở rộng kinh doanh thử nghiệm sẽ được hưởng chương trình khuyến mại: Giảm 50% cước thuê bao dịch vụ 3G (giảm từ 10.000đ xuống còn 5.000đ); Giảm 50% cước thuê bao và cước lưu lượng vượt định mức các gói cước dịch vụ Mobile Internet MI0, MI10, MI50; Các gói Unlimited MI12 và MI300 tính cước như bình thường.
Chi tiết có thể xem thêm tại địa chỉ http://3g.viettel.com.vn/ hoặc liên hệ tổng đài 1818 (miễn phí) để được hỗ trợ trực tiếp.
Theo Viettel Mobile

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Hãng hàng không giá rẻ VietJet AirAsia

Dulichbui's Blog - Sau 3 nước Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan và Indonesia hàng hàng không giá rẻ AirAsia sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới sau khi tiến hành tham gia liên doanh hàng không với hãng hàng không Viet Jet Air để thành lập liên doanh VietJet AirAsia (mua 30% cổ phần của Hãng hàng không tư nhân VietJet Air).
Với việc đầu tư của AirAsia, VietJet AirAsia sẽ hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ.
Như vậy sau cuộc “kết duyên” giữa hãng hàng không Pacific Airline với JetStar (kết quả là sự ra đời của Jetstar Pacific), Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không liên doanh nữa là VietJet AirAsia (và cũng là…giá rẻ).
Đây là một tin vui cho nhiều người. Nó không chỉ giúp cho người Việt có nhiều sự lựa chọn khi đi lại bằng phương tiện hàng không mà còn buộc các hãng hàng không hiện đang hoạt động trong nước như Vietnam Airline, Jetstar Pacific quan tâm hơn nữa đến dịch vụ của mình.
Tuy đại diện của VietJet Air và AirAsia đều đã xác nhận với giới truyền thông thông tin nói trên tuy nhiên trên trang thông tin chính thức của VietJet Air lẫn trang thông tin tiếng Việt của AirAsia vẫn chưa có bất cứ một thông tin gì về việc này.


AirAsia là một hãng hàng không giá rẻ có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia. Hãng này cung cấp những chuyến bay theo lịch trình nội địa và quốc tế và là hãng có giá vé thấp hàng đầu châu Á. Đây cũng là hãng hàng không đầu tiên trong khu vực sử dụng vé điện tử. AirAsia đã mở rộng nhanh chóng đã trở nên phổ biến với hành khách do có giá vé rẻ thường xuyên. AirAsia là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất trên thế giới năm 2009 do Skytrax bình chọn.

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Vũng Tàu đã có cáp treo

Dulichbui's Blog - Theo thông tin từ Công ty cổ phần du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ VCCT, vào ngày 17 tháng 2 năm 2010 tới đây (ngày mồng 4 Tết Canh Dần) hệ thống cáp treo tại khu du lịch cáp treo, sinh thái, văn hóa Hồ Mây (Núi Lớn, Vũng Tàu) sẽ đi vào hoạt động.

Đây là một trong 10 dự án của cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp Treo Vũng Tàu do công ty cổ phần du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ VCCT đầu tư xây dựng.

Theo thiết kế, Tuyến cáp treo này sẽ gồm 2 phần: hệ thống cáp treo lên Núi lớn và hệ thống cáp treo núi lớn – núi nhỏ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tuyến cáp treo này sẽ là một trong những hệ thống cáp treo dài nhất, cao nhất, hiện đại nhất ở Việt Nam.

Ông Đậu Thế Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ cho biết công ty đã đầu tư 250 tỉ đồng cho giai đoạn 1 của dự án khu du lịch này.

Cụm Du Lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp Treo Vũng Tàu được quy hoạch thành 10 dự án thành phần:
Dự án 1: Hệ thống Cáp treo lên Núi Lớn & các dịch vụ đi kèm.
Dự án 2: Khách sạn 4 sao Cánh Buồm.
Dự án 3: Khu Thế giới Đại Dương Vũng Tàu.
Dự án 4: Hệ thống Cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ.
Dự án 5: Khu du lịch sinh thái Safari.
Dự án 6: Khu biệt thự và Bungalow Đồi Mây.
Dự án 7: Khách sạn trung tâm Đồi Mây.
Dự án 8: Khu thể thao Núi Lớn.
Dự án 9: Khu Vui chơi thanh thiếu niên.
Dự án 10: Khu resort Hải Đăng - Núi Nhỏ.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Bệnh gì không được phép đi máy bay?

Dulichbui's Blog - So với các phương tiện giao thông khác, vận tải hàng không là phương tiện tốt nhất cho sự di chuyển hành khách nói chung và bệnh nhân nói riêng. Tuy nhiên có một số bệnh nhân không thể đi máy bay vì sự an toàn của chính bệnh nhân và của chuyến bay.
Trong kỳ nghỉ hè nhiều người muốn đi du lịch, đi nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng đường hàng không. Bài viết sau đây sẽ giải đáp cùng bạn đọc, những người mắc bệnh nào đi được và không đi được máy bay.


Theo Hội Hàng không Hoa Kỳ, một hành khách không thể cho đi máy bay là người đang bị một bất toàn về thể chất hoặc tâm thần và những người vì sự bất toàn đó hoặc vì tác động của chuyến bay lên sự bất toàn đó mà không thể tự chăm sóc, có thể nguy hiểm đến sức khỏe và sự an toàn của người đó hoặc hành khách khác và nhân viên hàng không; hoặc có thể gây khó chịu hay lo lắng cho hành khách khác. Ở nước ta, các hãng hàng không cũng có những quy định về điều kiện vận chuyển hành khách.


Những bệnh và các điều kiện đi hoặc không đi được máy bay
Việc quyết định có nên cho một bệnh nhân đi máy bay hay không, không những phụ thuộc vào bản chất, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà còn phụ thuộc vào các yếu tố: thời gian bay, độ cao bay, chịu áp suất thế nào, việc cung cấp ôxy và các thiết bị y học đầy đủ đến đâu, có thầy thuốc và điều dưỡng viên đi cùng hay không và các vấn đề lưu ý đặc biệt khác. Mặc dù hàng không của các quốc gia không cho phép sử dụng các bình ôxy cá nhân, nhưng trên các chuyến bay người ta sẽ cung cấp ôxy theo yêu cầu của thầy thuốc, của hành khách. Sự cố y học hay gặp nhất trên máy bay là thiếu ôxy và các cấp cứu về tim mạch, ngất, tâm thần kinh...

Bệnh tim mạch
Hình ảnh điện tâm đồ ở bệnh nhân suy tim.


Các trường hợp bệnh nhân tim mạch không được đi máy bay gồm: bệnh tim mất bù; suy tim sung huyết; bệnh động mạch vành có tăng huyết áp nặng, tăng huyết áp mà chưa được kiểm soát tốt; bệnh nhân có cơn đau thắt ngực mới phát nặng hoặc chưa ổn định; bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Những trường hợp và điều kiện có thể đi máy bay: bệnh tim mất bù nhưng đã điều trị hợp lý, tim đã được bù; hoặc bệnh nhân được đi trên máy bay trang bị phương tiện tạo áp suất ôxy 100% suốt chuyến bay; bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, đã phục hồi và không có triệu chứng từ 6 tuần trở lên; các trường hợp đau thắt ngực nhẹ hay vừa có thể cho đi máy bay, nhất là máy bay có thiết bị tạo áp suất và có ôxy; các bệnh van tim hoặc tim còn bù khác: bệnh nhân chỉ được phép bay ở độ cao từ 2.400-2.800m. Nếu muốn bay ở độ cao cao hơn thì máy bay phải được trang bị phương tiện tạo áp suất và cho bệnh nhân thở ôxy từ độ cao 2.400m trở lên; bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi liệu pháp chống đông máu đã ổn định và không có các biến chứng phổi. Lưu ý rằng các chuyến bay đường dài làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và gây bệnh nghẽn mạch; vì vậy để phòng tránh, bệnh nhân cần phải kiêng rượu và thuốc lá, đồng thời dùng aspirin liều thấp, sử dụng bít tất hỗ trợ, vận động chi dưới và đi bộ trong khi bay.
Bệnh hô hấp
Những trường hợp không nên đi máy bay: bệnh nhân đang lên cơn hen; ở tình trạng hen nặng; bệnh nhân có nang phổi bẩm sinh; bệnh nhân bị lao đang hoạt động, lây nhiễm hoặc tràn khí màng phổi; khó thở khi nghỉ ngơi bị cấm bay; mức độ thiếu ôxy máu và tăng anhydrid carbonic nặng...
Các trường hợp bệnh hô hấp có thể đi máy bay là: dị ứng mũi và nhiễm khuẩn nhưng cần lưu ý là sau khi bay dễ phát triển bệnh viêm tai do áp lực khí. Để ngăn ngừa viêm tai do áp lực khí (barotitis), trong khi bay bệnh nhân nên nhai kẹo cao su, dùng thuốc chống ngạt mũi trước khi khởi hành 30 phút, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn thích hợp và tránh ngủ lúc máy bay hạ xuống; bệnh nhân hen nhẹ có thể đi máy bay bình thường.
Phụ nữ có thai:
Thai phụ mang thai trong 8 tháng đầu có thể đi máy bay bình thường ngoại trừ người có tiền sử sảy thai hay đẻ non liên tiếp. Người có thai tháng thứ 9 không nên cho đi máy bay, nếu cần đi thì phải có sự cho phép của thầy thuốc. Trẻ nhỏ dưới một tuần tuổi không nên cho bay lên độ cao quá hoặc bay đường dài.Bệnh thiếu máu: Trường hợp thiếu máu nặng, hemoglobin dưới 8,5g/dl hoặc số lượng hồng cầu dưới 3 triệu/ml không được đi máy bay cho đến khi bệnh nhân được điều trị, hemoglobin đã tăng đến mức hợp lý. Nếu hemoglobin dưới 8,5 - 9g/dl thì cần chuẩn bị sẵn ôxy. Đối với bệnh nhân bị bệnh tế bào hình liềm rất dễ bị rối loạn khi đi máy bay nên cần phải hạn chế độ cao và quãng đường bay.
Bệnh đái tháo đường:
Bệnh nhân đái tháo đường mà không cần dùng insulin hoặc có thể chỉ dùng insulin mang theo mình trong chuyến bay thì có thể bay an toàn. Những bệnh nhân đái tháo đường "dao động" mà đang chịu những đợt hạ đường huyết thì cần được kiểm soát tốt trước khi bay. Bệnh nhân nên mang đường hay kẹo theo dùng trong khi bay để phòng phản ứng hạ đường huyết. Trong trường hợp phải bay đường dài, việc điều chỉnh thời gian dùng insulin trước khi bay qua các múi giờ cần được thầy thuốc hướng dẫn.
Bệnh nhân sau phẫu thuật:
Những trường hợp sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương mắt phải đi trên các máy bay có cabin áp lực và liệu pháp ôxy để tránh tổn thương võng mạc do thiếu ôxy và bọt khí trong mắt. Bệnh nhân mới mổ không nên đi máy bay trong 10 ngày sau phẫu thuật bụng và 21 ngày sau phẫu thuật ngực; sau đó chỉ bay khi đã lành vết mổ và không phải dẫn lưu. Bệnh nhân phải mở thông đại tràng có thể đi máy bay miễn là không có mùi và các túi mở thông đại tràng đã thay mới trước khi bay. Bệnh nhân thoát vị bẹn hay thoát vị đùi to, không đỡ bằng băng treo hoặc bó thì không cho đi máy bay nếu máy bay không có thiết bị tăng áp lực vì tăng nguy hiểm nghẹt ruột thoát vị.
Bệnh rối loạn tâm thần:
Bệnh nhân loạn thần nặng, hoặc trong trạng thái kích động, loạn trí không được đi máy bay kể cả khi có thầy thuốc đi kèm. Bệnh nhân hoảng loạn hay sợ hãi có thể cho đi máy bay nhưng phải uống thuốc an thần trấn tĩnh trước và trong khi bay.

Người say tàu xe:
Những người dễ bị say tàu xe cần phải uống thuốc chống say trước khi bay 30 phút và trong lúc bay. Ăn nhẹ và ăn thức ăn dễ tiêu trước và trong khi bay có thể giảm triệu chứng say, giảm buồn nôn và nôn. Đêm trước khi bay phải ngủ đẫy giấc, chuẩn bị sức khỏe tối ưu trước khi bay cũng có tác dụng tốt chống say tàu xe.

Theo BS. Phạm Văn Thân (SKĐS)

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Người gốc Việt đầu tiên trượt tuyết tới Nam Bắc Cực

Dulichbui's Blog - Cuối năm 2009 tôi (ảnh) đã có dịp trượt tuyế́t đến Nam Cực, sau khi cũng đã có một dịp tương tự đến Bắc Cực một năm trước đó.
Có người hỏi tôi tại sao lại muốn đi Nam Cực. Câu trả lời ngắn là tại sao không. Nhưng đó chỉ là một phần mà thôi. Cuối năm 2005, tôi may mắn có dịp đi châu Nam Cực theo dạng du lịch bằng tàu đến các đảo và bán đảo châu Nam Cực. Cảnh vật ở đấy rất đẹp, thật hùng vĩ và hoang sơ.
Tôi đã đi các vùng miền bắc Canada, Greenland và Iceland và rất mê các vùng này nhưng khi đến châu Nam Cực, tôi biết mình sẽ phải thực hiện các chuyến đi lớn hơn và xa hơn để thỏa mãn sự đam mê này.
Hơn nữa tôi cũng có chút máu mạo hiểm và ưa sự thử thách, nên thế là ba năm sau tôi quyết định đi Bắc Cực theo kiểu mạo hiểm là trượt tuyết thay vì chỉ bay tới đó.
Chuyến đi Bắc Cực thành công nên tôi muốn thử thách mình hơn chút nữa, đó là Nam Cực.
Đa số chúng ta sống ở các vùng không cao hơn mặt nước biển là mấy nên nếu đặt chân đến Nam Cực, ta sẽ bị hội chứng độ cao như khó thở, nhức đầu, nôn mửa hay bị ảo giác và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bắc Cực vs. Nam Cực
Tuy lần này cũng trượt tuyết từ vĩ độ 89 đến vĩ độ 90, với khoảng cách 112 km, giống như chuyến đi Bắc Cực, nhưng hai chuyến là khá khác nhau.
Bắc Cực nằm giữa Bắc Băng Dương nên băng lúc nào cũng trôi dạt theo luồng nước. Cho nên việc di chuyển trên băng khá nguy hiểm vì chúng có thể vỡ.
Nam Cực tuy nằm trên băng nhưng lớp băng này rất dày, có khi gần 3000 m, phủ trên mặt đất của châu Nam Cực, nên băng chỉ trượt rất ít (khoảng 10 m mỗi năm). Do vậy việc di chuyển đến Nam Cực ít nguy hiểm hơn.
Nhưng Nam Cực có cái khó khác là vì lớp băng dày gần 3 cây số, và vì ở trục quay của trái đất, áp suất không khí thấp hơn nên nó giống như ở độ cao 4000m so với mặt biển.
Đa số chúng ta sống ở các vùng không cao hơn mặt nước biển là mấy nên nếu đặt chân đến Nam Cực, ta sẽ bị hội chứng độ cao như khó thở, nhức đầu, nôn mửa hay bị ảo giác và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, tính chất của tuyết ở hai cực rất khác nhau. Tuyết tại Bắc Cực cứng vì không khí có độ ẩm vì nằm trên mặt nước trong khi tuyết tại Nam Cực xốp và gần như là cát. Sức cản của tuyết ở Nam Cực khá lớn nên kéo sled rất mệt.
Chuẩn bị
Tuy đã trượt tuyết đến Bắc Cực và đã có kinh nghiệm, nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi, tôi đã tập luyện và chuẩn bị sức khoẻ gần cả năm.
Tôi nhỏ con (1m64) và nặng chỉ có 56kg vì vậy để kéo sled nặng 35-45 kg trên tuyết, cần phải có sức khỏe tốt, tim mạch tốt.
Và nhất là phải quen với độ cao với tình trạng loãng oxy. Các bài tập luyện chính là leo máy thang (stairmaster), máy chèo thuyền (rowing), chạy xe đạp, nói chung là các bài tập về cardiovascular.
Cuối tuần thì đi hiking ngọn đồi cao 767m gần nhà và mang balô nặng khoảng 18-19 kg.
Để quen việc kéo sled, tôi đi ra bãi biển cũng gần nhà kéo bánh xe hơi. Cũng may bãi biển này vắng nên ít người hỏi tôi kéo vỏ xe để làm gì.
Ngoài các bài tập như trên, tôi cũng tham gia các chuyến leo núi như Mt Shasta (4322m), Mt Rainier (4392m) và Mt Whiney (4421m) để quen với độ cao trên 4000m và cường độ hoạt động ở các độ cao này.

Lên đường
Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày khởi hành của chuyến đi chờ đợi cũng đến.
Tôi đến Punta Arenas (Chile) vào ngày 14 tháng 12, hai ngày trước khi ngày khởi hành để chuẩn bị cho những thứ phút cuối.
Trong cuộc họp chuẩn bị, tôi gặp hai trong số bốn người đồng hành của mình. Đó là một doanh nhân Trung Quốc tên Nubo Huang và một kỹ sư người Đức Andreas Meyer.
Nhóm tôi có 5 người với người dẫn đường là 6. Hai người còn lại là cặp vợ chồng luật sư người Anh, John Sipling và Tanya Sipling.
Người dẫn đường và cặp vợ chồng người Anh lúc này đã ở trại Patriot Hills tại châu Nam Cực để tập luyện trước.
Ngày bay, chuyến bay bị dời lại vài lần vì thời tiết tại Patriot Hills xấu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng lên đường.
Đến khi ngồi trong máy bay tôi mới có cảm giác là mình sẽ bắt đầu một chuyến đi lớn, gần như là một lần trong đời.
Và lúc đó tôi nhận ra rằng giấc mơ Nam Cực đã rất gần, chỉ hy vọng mọi việc được suôn sẻ vì từ lâu tôi đã biết những chuyến đi mạo hiểm như thế này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, sự may mắn và sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị tốt thì có thể nhưng hai thứ kia không ai điều khiển được.


Patriot Hills
Đây là trại (basecamp) của công ty tổ chức chuyến đi.
Trại nằm vĩ độ 80 độ nam và 81 độ tây, nằm trong đất liền của châu Nam Cực.
Trại chỉ hoạt động ba tháng từ cuối mùa xuân đến mùa hè của nam bán cầu để phục vụ công việc vận chuyển và tổ chức các chuyến đi mạo hiểm đến Nam Cực và leo núi Vinson tại châu Nam Cực. Trại được dựng lên và dẹp đi hàng năm.
Việc chuyên chở, hậu cần ở châu Nam Cực rất phức tạp vì thời tiết, địa hình và sự hoang sơ hiểm trở và khoảng cách. Vì vậy chuyến đi rất đắt tiền vì tất cả mọi thứ đều phải chuyên chở từ Chile đến.
Ngay cả việc máy bay có thể đáp xuống “đường băng” cả là một vấn đề. Đường băng ở đây đúng là một đường băng theo nghĩa đen – máy bay đáp xuống băng và không thể dùng thắng để ngưng lại mà phải cho động cơ quay ngược để máy bay chậm lại từ từ.
Tất cả những chất thải, từ rác, nước rửa chén bát đến chất thải con người (cả hai thứ) đều được mang về lại đất liền chứ không để lại tại trại vì họ muốn bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đến trại Patriot Hills ai nấy đều phấn khởi.
Người ở chung lều với tôi, cũng là một người Anh, nói chỉ việc đến trại này thôi cũng đáng tiền.
Thật vậy, trong chuyến bay của tôi có một người Nhật còn khá trẻ nhưng anh có lẽ bị dị tật ở chân nên phải xài nạng. Anh bay đến trại chỉ để ở đó một giờ rồi bay về lại Chile. Tôi nghĩ anh cũng tốn khá nhiều cho chuyến bay này.
Chúng tôi ở trại vài ngày để thực tập và làm quen với các công việc hàng ngày mà chúng tôi sẽ làm trong chuyến đi.

Vĩ độ cuối cùng
Sau 4 ngày thực tập và chờ đợi thời tiết tốt, chúng tôi, 5 người không quen biết mấy ngày trước đó và David Hamilton (người Anh) cùng lên máy bay Twin Otter nhỏ để bay đến vĩ độ 89 nam để bắt đầu cuộc hành trình của mình.
David Hamilton là người đã dẫn đường cho Sir Ranulph Fiennes trong lần leo núi đầu tiên lên đỉnh Everest hồi năm 2005.
Khi máy rời chúng tôi tại vĩ độ 89 nam, tôi biết rằng chúng tôi chính thức chia cắt với thế giới.
Một cảm giác xáo trộn, vừa háo hức vừa lo về thử thách mà mình có thể chưa bao giờ biết đến.
Các bạn đồng hành cũng có tâm trạng này. Nhưng trên hết chúng tôi đã biết trước chuyến đi sẽ khó khăn nên sự lo lắng cũng không át đi được sự háo hức.
Hôm đó là một ngày đẹp trời, nắng chói chang. Tuy vậy nhiệt độ vẫn rất thấp, -19C. Chung quanh toàn màu trắng, không một sinh vật ngoại trừ chúng tôi.
Chúng tôi nhanh chóng dựng lều trên tuyết để nghỉ, để ngày hôm sau thật sự bắt đầu hành trình trượt tuyết đến điểm đáy thế giới.
Nubo, Andreas và tôi ở trong một lều, John and Tanya một lều khác và David ở một mình trong một lều nhỏ.

Hành trình trượt tuyết
Sáng thức dậy vào lúc 6 giờ, chúng tôi bắt bếp để làm tan tuyết và đun sôi nước để ăn cereal (bỏng ngũ cốc).
Andreas, Nubo và tôi thay phiên nhau mỗi ngày “làm bếp”. Nói làm bếp thật ra chỉ việc bắt bếp, lấy tuyết cho vào nồi cho tan đến sôi thôi.
Chỉ có bữa ăn tối chúng tôi mới nấu ăn bằng cách cho nước sôi vào nồi thức ăn khô và đảo sơ qua để không bị khét.
Việc ăn uống trong chuyến đi kiểu này rất đơn giản. Thức ăn cho bữa sáng thường là cereal với sữa bột hoặc nếu không thích thì mì ăn liền.
Trong lúc trượt tuyết thì ăn snacks với các loại hạt và mứt như hạt điều, đậu phộng và nho khô, cộng với chocolate, bánh cookies, salami và power bars.
Bữa ăn chính là bữa tối gồm các món ăn đã sấy khô chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được, cộng với thịt đã chín đông lạnh.
Sau khi ăn sáng chúng tôi sắp xếp sled của mình và tháo lều xuống để đi.
Ngày đầu trượt tuyết, David quyết định trượt tuyết từ từ, và chỉ có 6 tiếng thôi vì chúng tôi phải làm quen với cao độ từ từ.
Trước khi đi Chile, tôi đã đi trượt tuyết ở Colorado, ở cao độ gần 2800m nên tôi không gặp mấy khó khăn với độ cao.
Nhưng ngày đầu, sled đầy và nặng, nên 6 tiếng kéo sled khá vất vả.
Hôm đó trời cũng gió nhiều nên chúng tôi phải che chắn tất cả, không để phần cơ thể nào tiếp xúc với cái lạnh.
Vừa kéo sled nặng, vừa phải biết điều chỉnh các lớp áo quần để không bị đổ mồ hôi hoặc bị quá lạnh, trong khi cơ thể làm việc rất nhiều mà oxy hít vào không đủ là một việc khó khăn nếu chưa quen. Cuối ngày hôm đó thì chúng tôi đã trượt tuyết được khoảng 10 km.
Ngày hôm sau, sau một “đêm” nghỉ ngơi (gọi là đêm chứ thật ra mặc trời chiếu sáng 24/24, chúng tôi phải dùng miếng che mắt để có thể ngủ được), chúng tôi lại “dọn nhà” – tức là lều mà chúng tôi dựng lên buổi tối – để lên đường đi tiếp.
Sau khi đi được 3 chặng, Tanya và John nói với David xin được nghỉ lại.
Chúng tôi lúc này không biết việc gì xảy ra và ai cũng ngỡ ngàng. Thì ra Tanya bị hội chứng độ cao (Acute Mountain Sickness) và cô cảm thấy rất yếu không thể đi được nữa.
Sau này tôi mới biết là đêm trước, cô đã không ngủ được vì khó thở và nhức đầu. Đấy là những triệu chứng ban đầu của hội chứng này.
Chúng tôi thế là dừng lại để có thể chăm sóc cô, hy vọng cô sẽ quen dần với độ cao ngày hôm sau.
Hai vợ chồng người Anh đêm đó quyết định sẽ không tiếp tục đi nữa vì Tanya càng yếu hơn. Họ đã liên lạc với Patriot Hills để họ cho máy bay đến chở về. Nhưng Patriot Hills đã thuyết phục đôi vợ chồng hãy thong thả, và hy vọng Tanya sẽ khỏe hơn ngày hôm sau.
Ngày kế tiếp, chúng tôi quyết định chia bớt đồ đạc trong sled của Tanya cho tất cả mọi người còn lại, chỉ chừa lại một số vật nhẹ trong sled của cô.
Sled của tôi đã nặng thêm khoảng 7kg. Trong khi mỗi kg đồ đạc khi kéo lâu dài là cả một vấn đề, thì nay chúng tôi ai cũng phải thêm cả 7-8 kg. Chắc bạn cũng đoán được, chúng tôi ai cũng mệt hơn ngày hôm trước rất nhiều.
Tuy sled của cô đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng Tanya vẫn còn triệu chứng của hội chứng độ cao, và bắt đầu có thêm những triệu chứng mới.
David quyết định sẽ lấy ngày hôm sau là ngày nghỉ cho cả đoàn để Tanya có hồi phục.
Đó là ngày trước Giáng Sinh.
Đêm đó, vì có một ngày nghỉ, chúng tôi nấu thức ăn nhiều hơn một tí và tôi đã đem ổ bánh fruit cake mà tự tay tôi nướng ở nhà và mời các bạn đồng hành sang lều của chúng tôi để có một buổi tối Giáng Sinh ấm cúng trong cái lạnh cắt da của châu Nam Cực.
Không những có bánh ăn Giáng Sinh, tôi còn đem theo quà nhỏ cho tất cả mọi người và cả “cây thông” Noel (do bé cháu tôi 3 tuổi vẽ và gửi cho tôi trước khi lên đường). Đây là một đêm trước Giáng Sinh thật đáng nhớ trong đời.
Ngày Giáng Sinh và ngày 26/12, tuy Tanya đã bình phục chút ít nhưng chúng tôi vẫn đi ít giờ để Tanya có thể theo kịp trong khi chờ máy bay đến đón Tanya và John.
Cuối cùng, đến ngày 27, máy bay mới có thể đến. Chúng tôi lúc này có những cảm xúc trái chiều, vừa buồn vì họ không thể tiếp tục đi đến Nam Cực nhưng cũng mừng cho họ vì nếu kéo dài thì sức khỏe của Tanya có thể gặp nguy hiểm. Đến ngày này, chúng tôi chỉ mới đi được nửa đường.

Bây giờ đoàn chỉ còn 4 người, chúng tăng tốc rất nhanh và đến ngày 29/12, chúng tôi đã có thể thấy trạm nghiên cứu Admundsen-Scott của Mỹ ở chân trời.
Ai nấy đều mừng rỡ vì cả tuần chỉ thấy tuyết và không gì khác.
Ngày 30/12 là ngày đặc biệt đối với tôi. Chúng tôi cuối cùng cũng đến được cái điểm mà tôi ước mình có dịp đặt chân tới, 90 độ nam. Cái điểm đó không có gì đặc biệt ngoại trừ tấm bảng “Geographic South Pole”, một cây cột đánh dấu điểm Nam Cực và lá cờ Mỹ, được dựng phía ngoài trạm nghiên cứu.
Nhưng cái điểm đó chính là đích đến của biết bao nhiêu các nhà thám hiểm ngày xưa và nay, có khi bỏ mạng sống chỉ để đến một lần trong đời.
Chỉ với trợ giúp của tiến bộ khoa học cùng với kiến thức về châu Nam Cực càng nhiều như ngày nay, những người như tôi mới có thể làm những chuyến đi mạo hiểm đến nơi đây, có phần nào an toàn hơn ngày xưa.

Suy nghĩ sau chuyến đi

Khi nghĩ lại về chuyến đi, tôi cho rằng mình quá may mắn có cơ hội đến những vùng đất mà rất ít người đã đến.
Ông Mike Sharp, một nhà thám hiểm châu Nam Cưc kỳ cựu, và là một trong những người chủ của công ty tổ chức chuyến đi, đã cho tôi biết 40 năm trong nghề, ông chưa bao giờ gặp hoặc nghe nói tới người gốc Việt đi tới Nam Cực bằng chính sức lực của mình, đi bộ hay trượt tuyết.
Nếu đúng, đây là niềm vinh dự to lớn cho tôi.
Nhưng sự vinh dự và những sự nguy hiểm và mạo hiểm này không nghĩa lý gì so với hàng triệu người thuyền nhân. Họ mới chính là những người thám hiểm thực thụ.
Khi lên đường, tôi biết mình sẽ đi hướng nào, chuẩn bị thức ăn, điện thoại vệ tinh, GPS, và có mua cả bảo hiểm cùng với một trợ giúp của một công ty chuyên tổ chức những chuyến mạo hiểm cả hơn 20 năm kinh nghiệm, và nhất là có sự hướng dẫn của một người dẫn đường nhà nghề.
Khi ra đi, những người thuyền nhân hoàn toàn không biết sẽ về đâu, lênh đênh trên biển hay vượt rừng, không biết tính mạng sẽ còn hay mất trong từng giây phút.
Họ không có liên lạc, không máy định vị, không đủ thức ăn nước uống và không có một sự trợ giúp nào.
Đa số đã đến được nơi họ muốn “khám phá” nhưng cũng rất nhiều đã bỏ mạng trong cuộc hành trình nguy hiểm của họ. Tôi vinh dự vì chúng ta đã có những người thám hiểm thực thụ như vậy.
Nhật ký của Khải Nguyễn - Nguồn: BBC Tiếng Việt

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Khi nào không nên đặt tour trực tuyến?

Dulichbui's Blog - Internet mang lại tiện ích không hề nhỏ đối với các du khách mê du lịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về du lịch, không phải loại hình tour du lịch nào bạn cũng nên đặt qua mạng.
Với sự bùng nổ của Internet, nhiều việc dường như không thể đã biến thành có thể. Từ việc ngay lập tức nắm bắt thông tin của bên kia quả địa cầu, hay mua hàng trực tuyến. Đối với du lịch, Internet không chỉ giúp bạn tìm hiểu kỹ lưỡng về hành trình sắp tới của mình, mà nếu muốn, bạn có thể đặt tour du lịch chỉ bằng một cú nhấp chuột. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Sau đây là 7 loại hình du lịch bạn không bao giờ nên đặt theo phương thức trực tuyến.
1. Đi du thuyền
Cho đến nay, các đại lý du lịch theo phương thức truyền thống vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho những ai muốn thưởng ngoạn một chuyến lênh đênh trên biển. Tại sao vậy?
Có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, các chủ du thuyền sẽ cung cấp cho các đại lý du lịch những mức giá mà bạn sẽ không thể tìm được ở đâu khác. Và thứ hai, việc lựa chọn đi nghỉ bằng du thuyền là một việc khá phức tạp. Bạn phải mua vé, đặt phòng, chọn địa điểm ngắm biển và còn rất nhiều dịch vụ khác trên tàu. Vì vậy, không gì nhàn nhã hơn là hãy để các công ty du lịch giúp bạn làm điều đó.


Chuyên gia về du thuyền Carmen Shirkey cho biết: “Thường thì các đại lý du lịch thường đặt luôn một loạt chỗ trên các con tàu và chia ra thành các gói dịch vụ đi kèm khác nhau từ việc đổi tiền, đồ uống và cả dịch vụ gửi tiền nữa. Vì các công ty du lịch đã thuê chỗ trên tàu hết rồi, cho nên nếu bạn đặt chỗ bằng phương thức trực tuyến, người ta hoàn toàn có thể nói với bạn là hết vé. Trong khi thực tế, nếu bạn ‘book’ vé qua một công ty du lịch, câu trả lời lại là có.”

2. Du lịch vòng quanh thế giới
Tương tự như du thuyền, du lịch vòng quanh thế giới cũng là một việc phức tạp hơn rất nhiều so với việc đặt những vé máy bay bay thẳng hay vé khứ hồi. Đấy là chưa kể đến việc bạn phải tự lên kế hoạch chọn khách sạn nào, đi thăm những đâu đối với từng đất nước. Vì vậy, đặt tour thông qua công ty du lịch vẫn là sự lựa chọn thông minh đối với loại hình du lịch này.
Là người thường xuyên đi du lịch, blogger Steven Frischling tâm sự, anh đã có vài chuyến đi công tác vòng quanh thế giới. Anh chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Năm ngoái, tôi đã có một chuyến đi vòng quanh thế giới trong 3 ngày rưỡi. Khởi hành từ Providence, sau đó tới chụp ảnh ở Philadelphia, Frankfurt, Hồng Kông và Incheon, cuối cùng tôi lại quay về Providence. Với lộ trình như vậy, thì không có một dịch vụ đặt tour trực tuyến nào có thể cho phép bạn đi qua hành trình này. Nên cuối cùng, tôi đã phải thông qua một đại lý du lịch.”

3. Nếu bạn là người bận rộn
Làm việc với một công ty du lịch biết rõ sở thích của bạn, bạn có thể nhanh chóng tìm được một lộ trình phù hợp với bạn trong những kỳ nghỉ tiếp theo mà chẳng tốn thời gian tìm kiếm.
Anh Patricia Pinkney, nhân viên một hãng đồ nữ trang đã đưa ra lời khuyên dựa trên vốn kinh nghiệm của mình: “Nếu bạn là một người bận rộn mà lại không thích nghiên cứu dịch vụ trực tuyến và đang mong muốn tới bãi biển Copacabana ở Caipirinha. Tại sao bạn lại không nhờ một đại lý du lịch nhỉ? Trong trường hợp này, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhưng những dịch vụ mà họ mang lại cũng rất giá trị.”

4. Nếu bạn ít lướt web
Nếu bạn đọc bài viết này online, rất có khả năng kinh nghiệm này không áp dụng cho bạn. Nhưng theo bà Karina Goldrajch – nhà đồng sáng lập ra công ty an ninh GenMobi Technologies cho biết mọi người không nên lựa chọn phương thức đặt tour du lịch trực tuyến nếu họ chưa có kinh nghiệm về việc đó, và đặc biệt là khi chuyến đi sắp tới của họ là một kỳ nghỉ đặc biệt như dịp kỷ niệm hay tuần trăng mật.
Ngay cả khi bạn đã có kinh nghiệm đặt vé qua mạng trước đó, bạn cũng nên nghĩ kỹ trước khi có quyết định đặt tour trực tuyến một lần nữa. Ngoài ra, Kaira cũng nói thêm: “Nếu bạn nghĩ trang web đó có vẻ đáng nghi, hay là có vẻ ổn, thì có lẽ là như vậy. Tóm lại, hãy trông đợi vào linh tính của mình khi lựa chọn đặt tour qua loại hình này.”

5. Du lịch nước ngoài
Đi du lịch trong nước đặt vé trực tuyến đã là một chuyện. Tuy nhiên, nếu bạn đến một quốc gia mà tên của đất nước đó, bạn cũng không thể phát âm. Hãy cẩn thận! Trong trường hợp này, hãy tránh xa máy tính, ít nhất là khi bạn đặt tour. Tìm một đại lý du lịch chuyên về đất nước nơi bạn chuẩn bị tới.
Tonya Fitzpatrick, một tổ chức sản xuất chương trình trên radio đã thấm thía bài học này khi cố gắng giúp đỡ một người trong nhà mình và một đồng nghiệp khi họ đặt tour tới Costa Rica bằng phương thức trực tuyến. Chị cũng chia sẻ: “Một chuyến đi nước ngoài là một kinh nghiệm rất khác chuyến đi trong nước. Có nhiều chi phí mà bạn không lường trước hết được. Và kết quả là số tiền có thể lên cao hơn, nếu bạn đặt trực tuyến”.

6. Du lịch “mạo hiểm”
Đây là những chuyến đi không dành cho tất cả mọi người, ví dụ như việc bạn tự mình leo lên đỉnh Phan Xi Phăng mà không đi theo đường mòn chẳng hạn. Hay là việc bạn đi thuyền tới bờ biển British Columbia và Alaska.


Theo kinh nghiệm lâu năm của chị Maureen Gordon, hướng dẫn viên du lịch của hãng du lịch mạo hiểm Maple Leaf thì: “Khi tôi nói chuyện với một vài người về một tour du lịch mạo hiểm trên điện thoại, tôi có thể chắc chắn là chuyến đi sẽ ổn với họ thôi. Nhưng sự thật lại rất khác khi bạn đi cùng họ và 8 người khác nữa ở độ cao 92 feet giữa nơi hoang dã chẳng hạn. Bạn chắc chắn không muốn nghe thấy người khách hàng mình khóc thét lên hay la oai oái vì khiếp sợ. Vì vậy, tốt nhất hãy gặp một đại lý du lịch để nghe họ tư vấn kỹ trước khi khởi hành một chuyến đi như vậy.”

7. Vào những dịp đặc biệt
Một tuần trăng mật, một dịp họp lớp hay một lễ kỷ niệm đều nằm trong loại này. John Peters, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Tripology ở New York cho biết: “Các cặp vợ chồng mới cưới vừa trải qua rất nhiều lo lắng cho đám cưới. Tuần trăng mật là một dịp họ cần chăm sóc lẫn nhau, chứ không phải là lúc bạn lo lắng về những danh sách rất dài những việc cần làm.”
Trong những dịp đặc biệt như thế này, một đại lý du lịch có thể giúp bạn biến kỳ nghỉ của bạn trở nên hoàn hảo.
Ngoài ra, có một kinh nghiệm khác trước khi quyết định đặt chỗ cho kỳ nghỉ sắp tới, hãy chia sẻ và lấy ý kiến tư vấn của một chuyên gia về du lịch.
Sheryl Kayne, tác giả của cuốn sách "Tình nguyện viên du lịch vòng quanh nước Mỹ” đưa ra lời khuyên rằng bạn không bao giờ nên đặt vé trực tuyến trước khi kiểm tra thông tin với một công ty du lịch. Điều này cũng hoàn toàn đúng đối với bất cứ ai đang xem xét một chuyến du lịch tình nguyện. Giống như một chuyến du thuyền thường phức tạp hơn nhiều so với các tour du lịch khác. Theo tác giả cuốn sách, bạn chắc chắn “cũng không muốn đặt một chuyến đi mà chưa biết hết những yêu cầu và điều kiện của chuyến đi đó.”



Theo Tribune Media Services, Toquoc

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Lễ hội văn hóa xuân tại Cao Lãnh – Đồng Tháp

Dulichbui's Blog - Với chủ đề “Hà Nội - Ngàn năm văn hiến, Đồng Tháp - Trăm năm sen vàng”, Lễ hội văn hóa xuân được tổ chức từ ngày 14 - 16/2/2010 tại công viên Văn Miếu (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nhân dịp Tết Canh Dần 2010, kỷ niệm 190 năm thành phố được mang tên Cao Lãnh, đặc biệt Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ cho người dân vùng Nam Bộ cũng như du khách tham quan vui xuân.
Theo Ban tổ chức, lễ hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, triển lãm nhằm giới thiệu những thành tựu văn hóa, kinh tế - xã hội của Cao Lãnh - Đồng Tháp như: chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ; khu triển lãm ảnh đẹp về Cao Lãnh; khu triển lãm cây cảnh, hoa mai, bon sai, cá kiểng, gà kiểng – những sản vật nổi tiếng của đất Cao Lãnh và thưởng thức các tiết mục múa lân–sư–rồng…


Bên cạnh đó, với ý nghĩa hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại lễ hội sẽ có các hoạt động tái hiện hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, trong đó, nổi bật là hoạt động trang trí đường hoa xung quanh khu vực công viên Văn Miếu và trưng bày mâm ngũ quả khổng lồ với đường kính 14m, chiều cao 4m - quy tụ tất cả những loại trái cây Nam Bộ và ngôi chùa Một Cột của Hà Nội sẽ được đặt ở giữa mâm trái cây này, xung quanh dát những tấm phù điêu làm bằng ngũ cốc như: hạt gạo, đậu, ngô... mang ý tưởng hòa quyện văn hóa 2 miền Nam, Bắc.


Người dân vùng Nam Bộ và du khách cũng sẽ có dịp cảm nhận và hướng về một Hà Nội cổ kính thông qua biểu tượng Tháp Rùa, Hồ Gươm, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hà Nội trong mắt em”…Ngoài các hoạt động trên, lễ hội còn có một số hoạt động khác như: xác lập mâm ngũ quả là kỷ lục Guiness Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật thư pháp, trà đạo, biểu diễn máy bay mô hình, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.




Dulichbui's Blog (Theo Vietnamtourism)