Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Những điều cần chú ý khi đi du lịch bụi dịp lễ 30 tháng 4

Dulichbui's Blog - Tắc đường, tắc phà, giá cả bị đẩy lên cao, khách sạn hết phòng, dịch vụ kém... là viễn cảnh thường thấy tại các trung tâm du lịch vào dịp lễ 30 tháng 4. Thế nhưng lượng du khách đi du lịch, tham quan vào dịp này vẫn tăng lên hàng năm, nhiều tour du lịch khởi hành dịp này đã được thông báo là cháy tour trước đó một thời gian, trên các diễn đàn du lịch vẫn tràn đầy các topic rủ rê đi du lịch bụi vào dịp này.
Dưới đây là một số điều cần chú ý dành cho du khách khi đi du lịch vào dịp lễ 30 tháng 4:

. Phương tiện đi lại:
Nên đặt vé trước thời điểm đi ít nhất là 1 tháng.
Do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 là rất nhiều nên việc đặt vé trước dịch vụ vận chuyển là rất cần thiết. Nó giúp bạn chắc chắn được loại phương tiện đi, thời gian đi và nếu may mắn thì có thể tiết kiệm được 1 phần kinh phí. Với các phương tiện đường bộ: nên mua vé đi vào sáng sớm hoặc chiều nếu không muốn chịu cảnh tắc đường, tắc phà hàng giờ (vừa ảnh hưởng đến thời gian, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe).

Thông thông tin mới nhất Dulichbui's Blog cập nhật được thì vé máy bay đi Phú Quốc trong dịp lễ 30 tháng 4 tính đến thời điểm này đã bắt đầu "cháy vé".


. Lưu trú:
Cũng giống như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú vào dịp lễ 30 tháng 4 rất "nóng" và tất nhiên bạn nên đặt phòng trước để tránh trường hợp phải "ăn bờ ngủ bụi".
Bạn có thể tự đặt dịch vụ lưu trú bằng cách liên lạc trực tiếp với khách sạn, nếu khách sạn báo giá quá cao so với giá thường ngày thì... bạn có thể sử dụng các dịch vụ trung gian như: thông qua dịch vụ đặt phòng của các đơn vị lữ hành, dịch vụ đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam như vietnamtourism.com.vn, chudu24.com, hotel84.com ...
Ở lều cũng là một ý kiến hay cho dịp lễ 30 tháng 4 tuy nhiên sẽ rất xô bồ và tất nhiên...giá cả cũng sẽ được độn lên rất nhiều. Theo thông tin từ khu du lịch Chí Linh (Vũng Tàu) giá lưu trú lều 1 đêm cho một du khách tại khu du lịch này là 120.000đ/người/đêm (bao gồm vé vào cổng khu du lịch).

Trong dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 năm 2009, giá phòng khách sạn tại Đà Lạt tăng từ 30% - 500% (Theo VTV).
. Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý:
Cảnh đông đúc, chen lấn, chờ đợi,... cảnh kẹt phà, kẹt đường, xô bồ tại các điểm tham quan...như là một điều bình thường khi đi du lịch vào dịp lê 30 tháng 4.
Bạn nên chuẩn bị tâm lý khi đi du lịch vào dịp này. Nên mang theo một ít thuốc cần thiết như: suốt, đau bụng, ...

. Chuẩn bị kỹ cho chuyến đi:
Bên cạnh việc chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý, bạn cũng nên chuẩn bị kỹ về thông tin điểm đến, lịch trình, tiền bạc, đồ đạc mang theo...

. Các điểm du lịch luôn "đông đúc":
Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Miền Tây (một phần đông đúc là do nhiều người lao động về quê thăm nhà),... năm nay có thêm Đà Nẵng, Huế (do giá tour giảm + thời gian nghỉ lễ lâu),... Ở miền Bắc thì Đồ Sơn (Hải Phòng), Quảng Ninh, Lào Cai...

. Một số điểm đến "yên tĩnh" trong dịp lễ 30 tháng 4:
Là những điểm mà cơ sở hạ tầng chưa được phong phú (các dịch vụ bình dân chưa nhiều) hoặc là những điểm du lịch còn ở dạng ... tiềm năng:
  • Hàm Tân - Hàm Thuận Nam: dịch vụ lưu trú ở đây đều là resort nên số lượng du khách ở cũng có phần giới hạn, không có cảnh phải trải...báo ngủ trên lề đường như ở Vũng Tàu hay cảnh đông đúc chen lấn như ở Hòn Rơm (Phan Thiết - Bình Thuận).
  • Buôn Ma Thuột: Dù là điểm du lịch khá phát triển nhưng do marketing chưa tốt hoặc là do tâm lý du khách (vẫn thích đi Đà Lạt) nên Buôn Ma Thuột vẫn chưa trở thành một điểm đến đông đúc cho mùa lễ 30 tháng 4.
  • Các điểm du lịch như Ninh Chữ (Ninh Thuận), Phú Yên,...

Trên đây chỉ là những kinh nghiệm mang tính cá nhân, nếu bạn có những kinh nghiệm khác hãy cùng chia sẻ bằng cách comment ở khung bên dưới.

Tết Chôl Chnăm Thmây

Dulichbui's Blog - Từ thời xa xưa, Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Tết này gắn chặt với nghi lễ của cư dân nông nghiệp làm lúa nước và một số nghi thức Phật giáo tiểu thừa thường diễn ra trong ba hoặc bốn ngày đêm, cứ ba năm Tết ba ngày đêm thì có một năm nhuần Tết bốn ngày đêm.

Ngày bắt đầu Chôl Chnăm Thmây được chọn theo chu kỳ của 365 ngày. Trong các ngày Tết, người ta thường trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp nơi bàn thờ có đặt bánh, trái với hương khói nghi ngút, những người ở xa đều trở về sum họp với gia đình rồi tổ chức nghỉ ngơi vui chơi, giải trí và đến chùa tiến hành các nghi thức tôn giáo theo cổ truyền:
Đêm đầu tiên (Năm cũ - Chôlchnămchas) tức đêm 12 hoặc 13 tháng tư dương lịch, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp mang theo nhang đèn, lễ vật đi chùa. Ở các chùa, người ta tổ chức tụng kinh, rắc nước có ướp hương thơm ở các khu vực cần thiết. Những việc làm này được bà con quan niệm như là hình thức tiễn đưa vị Thần năm cũ, tẩy rửa những ô uế, buồn phiền trong năm cũ đã qua, và đó cũng làm sạch sẽ về mặt tinh thần để đón vị Thần năm mới và cầu ước những người đã khuất phù hộ độ trì giúp cho công việc làm ăn được phát đạt, mọi sinh hoạt gặp may mắn...
Ngày thứ nhất (mồng một), con cháu tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, hoặc những người có ân đức với mình và đến chùa tổ chức đón năm mới. Công việc đầu tiên là bà con tổ chức rước Mahasoongkran (Đại lịch Khmer), cuốn đại lịch được đặt lên chiếc khay đội trên đầu, mọi người sắp xếp lại thành đoàn và đi tuần hành ba vòng xung quanh chánh điện. Lễ rước Soongkran này là theo một huyền thoại Phật giáo, đó là truyện Tho Ma Bal và Ka Bul Mô Ha Prum hay còn gọi là Thần Bốn Mặt.
Ngày thứ hai (gọi là ngày Vonabot, năm nhuần hai ngày, năm thường một ngày), bà con tổ chức dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi gọi là Wên chong hăn. Theo tục lệ thì vào ngày Sóc, Vong hay ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật để tỏ lòng kính Phật, trọng tăng góp phần nuôi sống tăng bằng cách mang cơm và thức ăn chung đậu lại để mời sư sãi, trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn của ông bà quá cố. Sau khi độ xong, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. Tất cả những vật thực do lòng từ thiện của thí chủ mang đến dù ngon hay dở, các nhà sư cũng độ một chút gọi là nhận lễ. Trước hôm đó, người lớn tổ chức bốc thăm theo qui định để nghe nhà sư thuyết pháp. Riêng lớp trẻ thì tổ chức vui chơi văn nghệ, thể thao như Rom vong, Chchay dăm, Aday, các trò chơi dân gian, và các môn bóng đá, bóng chuyền... Cũng trong ngày này, bà con tổ chức lễ đắp núi cát (Pun phnom khsách) xung quanh ngôi chánh điện. Các vị Achar hướng dẫn bà con đắp cát thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa tức ngọn Sômêru là trung tâm của trái đất (mặt khác các ngọn núi còn là biểu tượng tượng trưng ước mơ cầu cho năm mới trở nên giàu có của cải chất cao như núi. Buổi chiều, bà con tổ chức quy y cho các mô hình núi, sáng hôm sau thì tổ chức xuất thế cho các ngọn núi. Tất cả nghi lễ này được lưu truyền và giữ gìn, theo Phật giáo gọi là Anisoong pun phnom khsách (Phúc duyên đắp núi cát). Tập tục này cũng theo sự tích kể về một người thợ săn đã có từ lâu đời.
Ngày thứ ba (Lơng sắc), sau khi dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư, người ta đem nước ướp hương thơm cùng với nhang đèn nơi thờ Phật làm lễ tắm Phật, kế tiếp là tắm cho sư sãi cao niên. Ở từng gia đình, người ta cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cháu hiến dâng. Mục đích tắm rửa này là để tẩy rửa mọi ô uế bụi trần của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho những người cao niên, xong nghi thức này, người ta mời sư sãi đến các ngôi tháp đựng hài cốt (Chét đây), làm lễ cầu siêu (Băng skôl) cho vong linh người quá cố, các vị sư đọc kinh cầu siêu để kết thúc buổi lễ.
Trong những ngày Tết, không khí ở các thôn, ấp, chùa chiền náo nhiệt suốt ngày đêm. Với niềm tin tưởng năm mới sẽ đem đến sự thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ. Lễ Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào giai đoạn kết thúc mùa nắng, là thời kỳ đa số nông dân được rảnh rỗi công việc đồng áng để bà con có thể vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả. Đồng thời, sau đó cũng là lúc chuẩn bị ngay cho vụ mùa năm mới.
Ý nghĩa của nó, không chỉ thể hiện về chu kỳ chuyển động của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian, mà còn giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, về ý thức hướng thiện và lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.


Theo Hồng Vân (Website Tỉnh ủy Sóc Trăng)

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Google cáo giác về 'tin tặc chính trị' VN

Google
BBC News
2010/03/30

Bộ phận an ninh mạng của tập đoàn Google cho hay đã phát hiện ra chiến dịch tấn công các trang web nhạy cảm chính trị bằng tiếng Việt.
Hãng bảo mật McAfee trong khi đó cáo giác tin tặc có thể có liên hệ với chính phủ Việt Nam.
Phía Việt Nam chưa có phản hồi gì về các cáo buộc trên tuy một chuyên gia về chống tin tặc của Việt Nam nói cần phải có điều tra chính thức và đầy đủ thì mới có thể đưa ra được kết luận.
Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS thuộc Đại học Bách khoa, cho rằng cáo buộc của McAfee là "hơi vội vàng".
Trong blog về an ninh mạng của Google, chuyên gia Neel Mehta viết rằng các kỹ sư của hãng này đã thu thập được thông tin về đe dọa an ninh nhằm vào người Việt sử dụng máy tính trên toàn thế giới.
Ông Mehta nói đợt tấn công này nhằm vào các trang mạng có nội dung nhạy cảm về chính trị, nhất là các trang chứa thông tin phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính quyền.
Theo Google, tin tặc phát tán phần mềm ác tính (malware) qua việc tải phần mềm dùng để đánh font chữ tiếng Việt hoặc phần mềm khác, và con số người bị ảnh hưởng có thể tới hàng chục nghìn.
Chuyên gia Mehta viết: "Tuy malware này không tinh vi cho lắm, nó vẫn được sử dụng với mục đích độc hại".
Nó được sử dụng để theo dõi người dùng máy tính hoặc tạo lỗi DDoS khiến các trang mạng, nhất là các trang mang nội dung bất đồng chính kiến, không thể truy cập được.
"Đặc biệt, các cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào việc dẹp yên phản đối các dự án bauxite ở Việt Nam, một chủ đề quan trọng và gây bức xúc ở trong nước".

Mục đích chính trị

Trong khi đó, hãng McAfee trên blog của mình cũng đề cập tới các cuộc tấn công của tin tặc này.
Kỹ sư trưởng về công nghệ của McAfee, ông George Kurtz, viết: "Chúng tôi cho rằng tin tặc có thể có mục đích chính trị và có thể có liên hệ với Chính phủ CHXNCN Việt Nam".
Khi cùng Google nghiên cứu malware mà tin tặc sử dụng đối với các máy tính của người Việt, McAfee phát hiện ra rằng tin tặc đã cải biến phần mềm font tiếng Việt VPSKeys của Hội chuyên gia Việt Nam để gài virus Trojan vào phần mềm này.
Tôi nghĩ, các cơ quan luật pháp phải vào cuộc điều tra thì mới có thể xác định chính thức tin tặc là ai và ở đâu.
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Tử Quảng
McAfee nói rằng điều tra của hãng này chỉ về các máy chủ với địa chỉ IP nằm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Việt Nam Nguyễn Tử Quảng nói để xác định nguồn gốc tin tặc thì chỉ dựa vào địa chỉ IP là chưa đủ.
Ông nói với BBC: "Tôi nghĩ, các cơ quan luật pháp phải vào cuộc điều tra thì mới có thể xác định chính thức tin tặc là ai và ở đâu".
Google thì nhận định đợt tấn công này cũng tương tự chiến dịch tin tặc mới đây ở Trung Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế đấu tranh với tình trạng tin tặc để "khơi chảy dòng tư tưởng tự do".
Tuần trước tập đoàn này đã chuyển dịch vụ tìm kiếm Trung Quốc sang Hong Kong sau khi đối đầu với chính quyền Bắc Kinh về các cáo giác tin tặc.
Các cuộc tấn công được cho là nhắm tới hơn 30 công ty.
Google cho biết tin tặc đánh vào tài khoản e-mail của các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.
Các tin tặc đã sử dụng một lỗ hổng bảo mật trong trình duyệt Internet Explorer của Microsoft để tấn công.
Chính phủ Trung Quốc tới nay vẫn bác bỏ liên quan.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một -Bình Dương)

Dulichbui's Blog - Chùa tọa lạc ở đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25 km về phía Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.


Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời Lê Hiển Tông, ở trên một ngọn đồi cao. Năm 1868, đời Tự Đức, do chùa bị hư hỏng nặng, Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng chùa mới dưới chân đồi. Chùa tọa lạc ở đấy cho đến nay.
Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ. Giảng đường và đông lang được sửa chữa năm 1917, tây lang được xây lại năm 1984. Gần đây nhất, từ năm 1990 đến năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.
Năm 2002, chùa đã tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m, trong đó, tượng đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m. Năm 2007, chùa đã hoàn thành công trình xây dựng ngôi bảo tháp thờ Phật 8 tầng cao 30m ở sân trước.

Cụm kiến trúc chùa Hội Khánh được bố trí mặt bằng với nhiều căng nhà lớn nhỏ khác nhau theo kiểu nội định - ngoại quốc gồm: chính điện có 2 căn mỗi căn có 3 gian 2 chái. Tiền đường là căn nhà ngoài, lòng căn hẹp, hai bên đặt tượng thờ Ông Thiện, Ông Ác...

Ngày 29 tháng 3 năm 2010, bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam (dài 52m, cao cách mặt đất 24m) đã được khánh thành tại chùa Hội Khánh - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam của tỉnh Bình Dương. Kỷ lục cũ thuộc về tượng phật nằm ở núi Tà Kú (Bình Thuận) với chiều dài 49m.

Căn nhà gỗ thứ hai lớn hơn. Gian giữa nửa ngoài là Thiên Hương - nơi dùng để đốt hương, gõ mõ tụng kinh của các sư khi làm lễ; còn nửa phía trong là Thượng Điện. Ở đây có nhiều tượng Phật được đặt trên tòa Tam Bảo. Tượng lớn nhất là Phật Tổ ở chính giữa điện, gian bên trái của chính điện thờ 18 vị La Hán, còn bên phải thờ 8 vị Phật “Ngũ hiền”.
Đằng sau chính điện là căn nhà gỗ lớn 5 gian 2 chái được nối bằng mái “Thữa Hữu” (Trùng thiềm điệp ốc). Nhà này vừa là giảng đường vừa là nơi để các thiện nam tín nữ tụ tập dâng hương thờ Phật. Bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bài vị của các vị sư chủ trì chùa đã quá cố được đặt tại các vị trí trang trọng trong căn nhà.
Năm 1923 - 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) đã đến đây. Cùng với hòa thượng Từ Văn, cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Vũ lập ra Hội danh dự yêu nước để truyền bá tư tưởng yêu nước. Ở đây cụ Sắc dạy chữ Hán, giảng kinh Phật... nhưng chủ yếu là để truyền bá tư tưởng yêu nước. Năm 1926, Pháp phát hiện hoạt động yêu nước ở chùa Hội Khánh và theo dõi, cụ Sắc rời khỏi Thủ Dầu Một. Hiện nay, ở chùa còn lưu lại đôi câu đối do cụ Sắc viết. Nội dung hai câu đối như sau: Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong. Nghĩa là: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước; Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây. Ngoài ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và cái la bàn, hiện được lưu bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

Ngoài trung tâm nói trên chùa còn được dựng hành lang 2 bên (đông lang, tây lang) để làm nơi tạm trú cho khách thập phương đến vãn cảnh chùa hay làm nơi chuẩn bị cỗ chay cho những ngày lễ hội. Chùa còn 1 dãy nhà tăng (nhà tổ) là nơi sinh hoạt của các nhà sư trụ trì.
Nghệ thuật kiến trúc cũng như điêu khắc trang trí ở chùa Hội Khánh mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam Bộ. Những nghệ nhân xây dựng chùa đã tạo được kỹ thuật đẽo trến, kèo, xiên và tạo ra các kiểu mộng khóa, mộng thắt, mộng kìm để các kết cấu dễ tháo lắp tạo dáng khỏe, vững chắc.

Những nghệ nhân xây dựng chùa cũng đã khéo léo trang trí chùa đơn giản song tinh xảo làm cho các phiến gỗ nặng nề bỗng trở nên nhẹ nhàng, bay bổng có giá trị nghệ thuật cao. Bức chạm nào cũng vậy, đều được bố trí các hình khối cân đối, đầy đặn. Bố cục của các phân đoạn chạm trổ trên các bức lam, diềm mạch lạc. Chủ đề chính về tôn giáo nhà Phật nổi bật trong bố cục tổng thể. Những họa tiết hoa văn như long, lân, qui, phụng hoặc những mây, nước, hoa, lá... làm cho những người chiêm ngưỡng một cảm giác khôn cùng, rất đa dạng mang đậm đặc trưng của phong cách điêu khắc Nam Bộ. Ngoài giá trị kiến trúc, điêu khắc, những nghệ nhân tạc tượng gỗ của chùa cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. Bằng những bàn tay khéo léo, với những đôi mắt tinh tế của những nghệ nhân, tượng 18 vị La Hán của chùa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo. Những nghệ nhân tạc tượng 18 vị La Hán ở chùa Hội Khánh đã không bị những công thức giáo điều của nghệ thuật tôn giáo ràng buộc khi khắc họa hình ảnh của các vị thần linh, ngoài việc thể hiện những hình ảnh của họ trong kinh sách đã nói mà đã tạo ra những hình tượng theo cảm xúc của mình mang đậm tâm linh thuần Việt. Đây có lẽ cũng là những pho tượng La Hán quí, đẹp nhất còn lại nguyên vẹn ở chùa Hội Khánh.
Hơn 250 năm nay, chùa được tiếp nối qua các đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn, đời 37 dòng Liễu Quán (1741-1812), Minh Huệ - Chân Kính (1812-1839), Toàn Tánh - Chánh Đắc, đời 37 dòng Chúc Thánh (1839-1869), Chương Đắc - Trí Tập (1869-1884), Ấn Long - Thiện Quới (1884-1906), Chơn Thinh - Từ Văn (1906-1931), Ấn Bửu - Thiện Quới (1931-1941), Thị Huê - Thiện Hương (1941-1971), Đồng Bửu - Quảng Viên (1971-1988) và Nhựt Minh - Huệ Thông, đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ (từ 1988 đến nay).
Hòa thượng Thích Từ Văn, vị trụ trì đời thứ 6, đã được phong Tăng thống Hội Phật giáo Nam Kỳ. Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920. Hiện nay, trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.
Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Bài: tổng hợp từ báo Giác Ngộ
Ảnh: Võ Văn Tường

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Thành Tây Đô - một ngôi thành đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thuộc địa bàn xã Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 45km về phía Đông, cách thị xã Bỉm Sơn 30km về phía Bắc và cách Hà Nội 145 km về phía Bắc.
Nhân dân vẫn quen gọi Thành Tây Đô là Tây Giai, An Tôn hay Thành Nhà Hồ - vì người chủ trương xây dựng thành là Hồ Quý Ly, người đã dựng nên một triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XV.


Những năm cuối thế kỷ XIV, triều Trần đi sâu vào con đường suy yếu. Phía nam đất nước, quân Champa đã nhiều lần kéo ra cướp phá, kinh thành Thăng Long bị chúng hai lần tiến đánh khiến vua quan nhà Trần phải rời bỏ kinh thành. Phía bắc giặc Minh cũng lăm le giòm ngó, tìm mọi cách để âm mưu thôn tính nước ta.

Trước tình thế trên, Hồ Quý Ly Một viên qan đầu triều, nắm giữ quyền lực trong tay dã chuẩn bị một kế hoạch đối phó mới với tình hình của đất nước. Vì vậy năm 1397, Hồ Quý Ly sai viên thượng thư Bộ Lại, kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tĩnh vào nghiên cứu vùng đất Thanh Hoá, một căn cứ địa vững chắc đồng thời là quê hương của họ Hồ để xây dựng thành trì chuẩn bị cho việc rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá. Các làng Tây Giai, Xuân Giai, Đông Môn, thuộc xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long và An Tôn xã Vĩnh Yên được chọn làm nơi xây dựng kinh thành. Khi thái tử An, tức cháu ngoại của Hồ Quý Ly lên ngôi lấy niên hiệu là Thiếu Đế, Thành Tây Đô trở thành kinh đô của nước ta từ đó. Đến năm 1400 vua Thiếu Đế qua đời, Quý Ly chính thức lên ngôi vua lập nên triều Hồ.

Đến bây giờ, chúng ta không khỏi khâm phục trước tài nghệ xây dựng vật liệu bằng đá khối như đối với thành đá Tây Đô. Đặc biệt với thời gian chỉ vẻn vẹn 3 tháng (từ mùa xuân 1397), toàn bộ bức thành đồ sộ đã được xây dựng bằng đá khối, trong đó có những phiến nặng lên tới trên 2 tấn trong khi không có một thiết bị hiện đại vận chuyển lên cao nào ngoaì sức người thuần tuý và cũng chỉ 3 năm (Đến 1400), toàn bộ kinh thành đã được xây dựng hoàn tất với các điện, đài nguy nga, tráng lệ. Cho đến hôm nay, kỹ thuật xây dựng thành vẫn là một điều bí ẩn đối với khoa học xây dựng thế kỷ XX. Nhìn những phiến đá lớn được mài nhẵn, chồng khít lên nhau, tạo nên bức tường thành đồ sộ, ai cũng tự đặt câu hỏi không biết người xưa đã sử dụng phương tiện gì để vận chuyển và nâng lên cao những khối đá lớn như vậy?

Về mặt kiến trúc, thành có hình chữ nhật, mở ra bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc gọi là cổng, Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Trong đó cổng tiền là còn nguyên vẹn hơn cả. Cổng mở ra ba cửa, cửa giữa rộng 5,8m cao 8m, hai cửa hai bên rộng 5m cao 7,8m. Tất cả các cổng đều được xây cuốn vòm, kiến trúc chữ U, bằng đá xanh đen mài hình muối bưởi, nhờ trọng lượng nên chúng tự nêm chặt vào nhau. Các cánh cổng đều được làm bằng gỗ lim phiến dầy, dưới chân có lắp hai bánh xe bằng đá. Tất cả các bức tường thành đều cao trên 6m, trên mặt có đường đi rộng 4m. Tường thành xây bằng những viên đá khối lớn 2m x 1m x (0,7m). Những viên đá quá nặng phải đắp đất seo lên mới xây dựng được. Mặt trong thành lèn đất day như đắp đê. Từ cửa Nam có một con đường lát đá hoa chạy xuyên suốt trục bắc nam của thành vươn đến tận chân núi Đốn Sơn (Núi Đún), là nơi dựng đàn tế Nam Giao của triều Hồ.

Ông chủ trương chia Tây Đô làm hai; khu thành nội và khu thành ngoại. Khu thành ngoại là toàn bộ khu dân cư gồm các làng xã, phố phường, nơi mọc lên cả các dinh thự của các quan lại. Hồ Quý Ly còn cho trồng tre, đào hào thành sông để nối liền với sông Mã, Sông Bái để tiện việc chuyên trở, sử còn ghi “sai Trần Ninh đốc thúc người phủ Thanh Hoa trồng tre gai, phía nam từ Đốn Sơn, Phía bắc từ An Tôn phía tây từ Vực Sơn vây bọc làm La Thành” đến nay các vết tích đó còn lại không nhiều, chỉ còn lại dấu tích của những hào sâu bao bọc quanh thành mà thôi.

Đương thời Hồ Quý Ly đã cho kiến thiết trong nội thành các cung điện, nhà cửa, phố xá, sân hồ… chẳng khác gì ngoài Thăng Long, chỉ khác là các cung điện của thành Thăng Long được xây dựng bằng gỗ còn các cung điện của thành Tây Đô được xây dựng và trạm trổ hoàn toàn bằng đá khối. Theo các thư tịch cũ cho biết thì trong thành thời đó có điện Hoàng Nguyên, các cung Diên Thọ, Phù Cực, Đông Cung, núi Thọ Kỳ, hồ Dục Tượng… rất nguy nga tráng lệ. Năm 1403 lại còn xây dựng thêm hai công trình kiến trúc nữa là Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu. Cũng tại nội thành này là địa điểm để tổ chức các kỳ thi Thái học sinh (tiến sĩ), đó là vào năm 1400 dưới triều Hồ Quý Ly và năm 1405 dưới triều Hồ Hán Thương.

Hiện nay, trong thành di vật còn sót lại có giá trị nhất là đôi rồng đá. Nhưng cũng thật đáng tiếc, trải qua thời gian, do không được bảo vệ và ý thức người dân chưa cao nên đôi rồng đá đã bị mất đầu. Dù sao thì đây vẫn là hiện vật có giá trị nhất. Đôi rồng mỗi con dài mươi thứơc, uốn khúc uyển chuyển và hùng dũng như đang bay. Cái tráng khí hào hùng ấy do bàn tay tài hoa của người thợ đá làng Nhồi tạc nên.

Trên 6 thế kỷ đã trôi qua, Tây Kinh – một kinh thành đồ sộ với các điện đài nguy nga tráng lệ. Song tất cả chỉ còn là đống đổ nát, không một vết tích đền đài nào còn sót, chỉ còn lại bức tường thành là có thể minh chứng cho một triều đại đã tồn tại, cũng như mãi mãi khẳng định một loại hình kiến trúc độc đáo, tiến bộ bậc nhất của Việt Nam - Kiến trúc thành luỹ bằng đá.


Theo Sở du lịch tỉnh Thanh Hóa

Thông tin về chương trình Festival Huế 2010

Dulichbui's Blog - FESTIVAL HUẾ 2010: ''Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển'' - Nơi gặp gỡ các thành phố Cố đô - Điểm hẹn các di sản văn hoá thế giới

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999, Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế tiếp tục được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.


Qua các kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định. Năm 2000, Festival Huế có trên 30 đơn vị nghệ thuật Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế. Năm 2002 có 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ 8 quốc gia và các đoàn trong nước, gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế. Năm 2004 có 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ 7 quốc gia; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ, Festival đã thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Năm 2006 quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ 10 quốc gia, thu hút 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.557 lượt khách quốc tế. Năm 2008 với sự góp mặt hơn 1500 nghệ sĩ của 37 đơn vị nghệ thuật trong nước và 457 nghệ sĩ của 31 đoàn nghệ thuật quốc tế đã mang đến cho công chúng 133 suất diễn, gần 90 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn, sẽ khai mạc vào thứ 7 ngày 5-6-2010 và bế mạc chủ nhật 13-6-2010. Điểm mới là Festival Huế 2010 sẽ có mặt đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới. Đã có 31 quốc gia đăng ký tham gia với tổng số hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật, bao gồm: Pháp - đối tác chính, Achentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Cu Ba, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Nauy, Nga, Nhật Bản, Ôx-tra-li-a, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Trung Quốc, Ucraina, Xcôt-len, Xê-nê-gan. Đến nay đã khẳng định cụ thể 31 chương trình từ 21 quốc gia với nhiều thể loại phong phú và hấp dẫn gồm: Ca Múa Nhạc, Xiếc, Sân Khấu, Nghệ thuật đường phố, Nghệ thuật sắp đặt, Rối, Điện ảnh, Triển lãm.... Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có những chương trình biểu diễn tại các sân khấu ngoài phạm vi thành phố. Các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ bao gồm sự có mặt của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn Ca Múa An Giang, Đắc Lắc, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà Hát Ca Kịch Huế, Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế, các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Huế - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nhóm các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các thành phố có vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo, và các lực lượng nghệ thuật chuyên và không chuyên của Thừa Thiên Huế.

Festival Huế 2010 tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây, đặc biệt sẽ mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn thị tứ, các khu đô thị mới của TT Huế và khai thác thêm không gian của các công trình văn hóa, thể thao mới được hình thành và đưa vào sử dụng.

Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với khoảng 05 sân khấu ngoài trời và một số các địa điểm trong nhà. Khu vực này quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; mở rộng không gian diễn xướng chính thức ở các khu vực: Hồ Tịnh Tâm, Cung An Định, quảng trường Ngọ môn, Khu vực bờ nam sông Hương, các khu vực ngoại thành.

Một số vị trí phù hợp ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... sẽ được bố trí một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn. Hình thành các địa điểm vệ tinh của Festival Huế 2010 bao gồm: Công viên Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Thương Bạc, Công viên 3-2, đường Nguyễn Đình Chiểu, Khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, Cầu ngói Thanh Toàn, Làng cổ Phước Tích, Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, Khu văn hoá Huyền Trân...

Nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra liên tục trong 09 ngày đêm:

Chương trình lễ hội khai mạc, Lễ bế mạc, Lễ hội Áo dài, chương trình “Đêm Phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng Vọng Sông Ngân”.

Đối với các lễ hội cung đình đã được phục dựng trong các kỳ Festival trước sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng nghệ thuật: Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Huyền thoại Sông Hương. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, sẽ có các lễ hội mới:

- Sân khấu hóa “Hành trình mở cõi”,

- Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời Nguyễn”

Bên cạnh đó, còn các chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, có chủ đề, chủ điểm tập trung theo định hướng của Ban tổ chức Festival Huế 2010, nhằm tạo không khí sôi động, làm vệ tinh cho các hoạt động của Festival Huế 2010: Chương trình Festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa Hạ”, Festival Thơ Huế... Các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng. Các cuộc triển lãm: Triển lãm mỹ thuật các tác giả nữ, Triển lãm Mỹ thuật thời Lý của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh của Hội VHNT Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa: “Từ Cố đô đến Cố đô”, Triển lãm tranh sơn mài “Tự sự Cố đô”, Trưng bày Sắc phong và sách cổ. Các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc mỹ thuật đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt quảng diễn mỹ thuật “Từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế” với bức tranh trên lòng cầu Trường Tiền của hàng trăm Họa sĩ và SV Mỹ thuật Huế, và chương trình Nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh” với sự tham gia của các nghệ sĩ ba miền …

Logo Festival Huế 2010 được thiết kế là sự tiếp nối của logo Festival Huế 2000, 2002, 2004, 2006, 2008 và đã trở thành một biểu tượng chung duy nhất cho các kỳ Festival Huế sau này.
Mẫu logo gồm 2 phần:
Phần chữ Festival Huế và năm tổ chức là tác phẩm được tuyển chọn của họa sĩ Pháp De L’Estraint vào năm 1999, khi chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2000.
Ý tưởng cơ bản của biểu tượng là sử dụng màu cờ nền đỏ sao vàng của quốc kỳ Việt Nam làm nền, đi liền với màu cờ là hình Ngọ Môn ở Ðại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000 được bố trí theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp và tiếng Việt.
Dưới nền logo chính của De L’Estraint, ban tổ chức Festival Huế đưa thêm hình ảnh của linh vật Long Mã.
Long Mã - ngựa hóa rồng - là linh vật đặc trưng thường được trang trí trên một số kiến trúc Huế. Biểu tượng Long Mã được cách điệu từ hình tượng Long Mã tại bình phong trường Quốc Học, di tích lưu niệm thời Bác Hồ theo học tại trường Quốc Học Huế.

Các cuộc hội thảo khoa học, Festival “Khoa học với đời sống cộng đồng” do trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Đại sứ quán Italia và trường Đại Học Sassari tổ chức lần đầu tiên như một festival khoa học trong lòng Festival Huế. Các hoạt động thể dục thể thao, Giải quần vợt đồng đội toàn quốc, lễ hội Diều, Hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, Đua trải, chương trình “Đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực phục vụ du khách, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” sẽ là những hoạt động thu hút khách du lịch và công chúng tham dự trong 9 ngày diễn ra Festival.

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai.

Trước khi Festival diễn ra chính thức, ngay từ đầu năm 2010, cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội chào mừng các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc, nhiều lễ hội tiền Festival được tổ chức: Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung và khánh thành khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung (09/01/2010), Lễ hội Đền Huyền Trân (9-1 âm lịch tức 22/02/2010), Lễ Tế Xã Tắc (tháng 2 âm lịch), Lễ hội Nắng gió Tam Giang ở vùng đầm phá Tam Giang Quảng Điền ( 30/4-1/5/2010), đặc biệt Lễ Phật Đản (rằm tháng tư âm lịch, tức 28/5/2010) diễn ra trước Festival hơn 1 tuần lễ sẽ được kết nối làm cho không khí lễ hội sẽ được liên tục và đa dạng màu sắc.

Festival Huế 2010 hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Các lễ hội chính
1. Lễ Khai mạc diễn ra vào tối 05/6/2010.
2. Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn” diễn ra vào tối 07/6/2010.
3. Lễ hội Áo dài diễn ra vào tối 8/6/2010.
4. Lễ tế Giao diễn ra vào tối 9/6/2010.
5. Lễ hội sân khấu hoá “Hành trình mở cõi” diễn ra vào tối 10/6/2010.
6. Chương trình “Huyền thoại Sông Hương” diễn ra vào tối 6/6 & 12/6/2010
7. Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra vào các buổi tối 6, 7, 9, 10, 11 và 12/6/2010
8. Chương trình “Vẻ đẹp Việt II” diễn ra vào các tối 6, 9 và 11/6/2010.
9. Chương trình “Đêm Hoàng cung” diễn ra vào tối 05/6 (không có dạ nhạc tiệc) và các tối 08/6, 11/6 (có dạ nhạc tiệc).
10. Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào tối 13/6/2010.

Thông tin về Festival Huế 2010 luôn được cập nhật tại http://www.huefestival.com
Theo Ban Tổ Chức

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Festival trái cây Việt Nam lần thứ I - 2010 tại Tiền Giang

Dulichbui's Blog - Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 4 năm 2010 với chủ đề "Trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập" và thông tin quảng bá “Tiền Giang – Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”.
Đây là lần đầu tiên Tiền Giang đăng cai tổ chức Festival mang tầm vóc quốc gia, có sự tham gia chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo UBND Tỉnh Tiền Giang, quy mô Festival trái cây lần này với trên 700 gian hàng trưng bày, triển lãm, xúc tiến giao thương hàng hoá trái cây và sản phẩm trái cây, cùng với nhiều lễ hội phong phú, đặc sắc mang đậm dấu ấn Việt Nam diễn ra trong suốt thời gian tổ chức festival.

Các hoạt động tại lễ hội
- Tổ chức hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nông nghiệp, hội chợ thương mại với quy mô khoảng 700 gian hàng.
- Lễ hội tôn vinh "Nhà vườn sáng tạo", cúp vàng "Vì sự phát triển trái cây Việt Nam", ba hội thảo lớn về trái cây Việt Nam.
- Lễ hội ẩm thực "Hương Việt", Lễ hội chợ nổi Cái Bè, Lễ hội xoài cát Hòa Lộc cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao.
- Đặc biệt Festival trái cây sẽ có 3 kỷ lục Việt Nam được xác lập là: kỷ lục "Tứ linh 1.000 năm thương nhớ Thăng Long" với hình tượng long-ly-quy-phượng lớn nhất được kết từ trái cây; kỷ lục "Rồng vẽ bằng nghệ thuật graffiti dài nhất Việt Nam", kỷ lục "Bản đồ Việt Nam" bằng trái cây lớn nhất...


Xem chi tiết các chương trình tại Festival Trái Cây Việt Nam Lần Thứ I – 2010 tại đây

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Festival ẩm thực thế giới 2010 tại Việt Nam

Dulichbui's Blog - Lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới 2010 sẽ được tổ chức tại Bà Rịa Vũng Tàu trong 5 ngày từ 21-25/7/2010. Để chuẩn bị cho sự kiện quốc tế này, chiều 11/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức họp báo giới thiệu về Lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới 2010.

Theo đó, lễ hội sẽ có sự tham dự của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với 5 chủ đề chính: Ẩm thực, Văn hóa, Lễ hội, Mua sắm và Nghỉ dưỡng, Lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới 2010 sẽ đem đến cho du khách cơ hội thưởng thức các món ăn, thức uống truyền thống, khám phá và giao lưu với các nền văn hóa khác nhau; mua sắm các sản phẩn đặc trưng của các dân tộc trên thế giới và đặc biệt là tham gia vào một lễ hội diễu hành đường phố đầy màu sắc của hàng ngàn người đại diện cho các quốc gia cũng như các vùng, miền của Việt Nam.
Nằm trong khuôn khổ của Festival, còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Tọa đàm chuyên đề văn hóa Ẩm thực của nhiều phong cách khác nhau trên thế giới; Biểu diễn nghệ thuật, kỹ thuật nấu ăn… do các giáo sư, nghệ nhân danh tiếng trên thế giới như Giáo sư Trần Văn Khê, Vua bếp thế giới Jan Cancook và một số đầu bếp hàng đầu Việt Nam tham gia thực hiện…
Ban tổ chức lễ hội hy vọng chương trình sẽ được ghi nhận vào kỷ lục Guinness thế giới là Lễ hội Văn hóa Ẩm thực được tổ chức trên một không gian dài nhất, hơn 3km trên bãi biển và sẽ trở thành lễ hội truyền thống hàng năm tại thành phố Vũng Tàu.

Theo Cinet

Ảnh chỉ có tính minh họa

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Mẹo tiết kiệm tiền khi đi du lịch bụi

Dulichbui's Blog - Chỉ cần nhập cụm từ khóa "mẹo tiết kiệm tiền khi đi du lịch" trên Google hay Yahoo bạn sẽ nhận được hàng trăm kết quả liên quan. Mỗi người có một kinh nghiệm riêng, có thể nó phù hợp với với bạn, có thể không. Dưới đây là kinh nghiệm của Dulichbui's Blog xin được chia sẻ cùng các bạn...
1. Thu thập thông tin trước chuyến đi:
Việc thu thập thông tin trước chuyến đi sẽ giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản về điểm đến của mình: thông tin chung, lộ trình đi, các điểm lưu trú ăn uống giá rẻ, đi lại... Bạn có thể truy cập các trang thông tin du lịch uy tín tại Việt Nam như phuot.com, ttvnol.com (box du lịch), dulichbui.org...

Không mua bảo hiểm để tiết kiệm tiền? Nên hay không?
Thông thường phí bảo hiểm du lịch của các công ty bảo hiểm áp dụng cho du khách khi đi du lịch ở mức thấp nhất là 1.500đ/khách/ngày (nội địa) với mức đền bù tối đa là 10triệu/vụ (Các công ty du lịch cũng thường mua bảo hiểm ở mức này). 1500đ/ngày so với chi phí cho một chuyến đi sẽ không là bao nên tốt nhất là bạn đừng có quá tiết kiệm cho khoản tiền này.


2. Lên lịch trình trước chuyến đi:
Sẽ giúp bạn chủ động về thời gian và tính toán được phần nào chi phí cho chuyến đi của mình. Thông thường các chi phí bạn cần phải bỏ ra cho một chuyến đi bao gồm: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, đi lại, bảo hiểm, nước uống... Việc lên lịch trình trước chuyến đi còn giúp bạn tránh được những khoản phí không đáng có trong chuyến hành trình.

3. Đặt trước các dịch vụ:
Sau khi đã xác định lịch trình cụ thể cho chuyến đi, thời gian đi bạn nên đặt trước các dịch vụ để tránh trường hợp giá cả dao động (đặc biệt là mùa cao điểm). Đặt trước có thể thông qua email, điện thoại hoặc fax. Một số khách sạn sẽ yêu cầu bạn đặt trước (deposit) hoặc thanh toán trước bằng cách bạn chuyển tiền trước cho họ.
Chú ý: khi thực hiện các dao dịch chuyển tiền bạn cần giữ các bản xác nhận email (hoặc fax), giấy chuyển tiền... và mang theo trong chuyến đi.

4. Đi vào dịp khuyến mãi (mùa thấp điểm):
Thông thường vào các dịp thấp điểm (sau Tết, sau Hè) các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng,... sẽ có các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút du khách. Đi du lịch vào những dịp này bạn sẽ tiết kiệm được một phần kinh phí cho chuyến đi, đồng thời cũng tránh được cảnh xô bồ so với những mùa cao điểm về du lịch trong năm.

Dulichbui's Blog

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận năm 2010

Dulichbui's Blog - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã ban hành các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và Du lịch từ tháng 01 dến tháng 12 năm 2010 nhằm hướng tới các ngày lễ trọng đại trong năm.
Một số sự kiện đáng chú ý trong năm 2010 được tổ chức tại Bình Thuận có thể đến như: Lễ hội dinh Thầy Thím, Lễ hội Katê, Giải đua thuyền truyền thống tại Phan Thiết, Lễ hội Nghinh Ông,...
(Để xem được rõ xin click vào hình).


Hội An sẽ sử dụng vé”mở” cho du khách

Dulichbui's Blog - Thông tin từ Trung tâm VH-TT Hội An vừa cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2010, Hội An sẽ áp dụng chính sách vé “mở” dành cho du khách đến Hội An.
Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến tham quan, tìm hiểu, thưởng lãm các di tích, thắng cảnh, hoạt động văn hóa truyền thống…tại Hội An. Từ tháng 4/2010, Hội An sẽ áp dụng chính sách vé mở cho tất cả du khách mua vé tham quan các di tích tại Hội An. Thay vì chỉ được thăm 5 địa điểm, tương ứng với 5 loại hình di tích, hoạt động, thì từ tháng 4/2010, du khách có thể lựa chọn 5/18 điểm, di tích, hoạt động văn hóa trên địa bàn TP Hội An để tham quan.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết: “Chính sách này dựa trên những nhu cầu chính đáng của du khách như muốn tham quan, tìm hiểu riêng đối với 1 loại hình văn hóa hay 1 loại hình di tích tại Hội An. Với chính sách vé “mở”, du khách có thể chỉ cần 1 vé tham quan có thể đến 5 điểm di tích cùng 1 loại hình, thay vì mỗi ô vé tương ứng với 1 loại hình di tích như trước đây. Đây là một trong những hoạt động của TP Hội An nhằm tạo điều kiện để du khách đến và tìm hiểu về Hội An thuận lợi hơn”.

Trước đó, nhằm thu hút du khách đến Hội An, từ ngày 16/1/2010, TP Hội An đã thực hiện thí điểm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan Khu phố cổ Hội An vào ban đêm. Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác quảng bá những giá trị văn hóa của phố cổ và con người Hội An đến với du khách trong và ngoài nước; đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch mới mà hiện nay thành phố rất quan tâm, nâng cao chất lượng phục vụ tại một điểm du lịch văn hóa trong Khu Di sản nhằm thu hút du khách đến Hội An…của TP Hội An.
Theo Hoian.vn

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Bánh cáy Thái Bình

Dulichbui's Blog - Những hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.
Từ các sản vật nông nghiệp dễ có đến hàng nghìn loại bánh, kẹo hoặc hơn nữa được làm ra ở các vùng quê Việt Nam. Bánh chưng, bánh dầy thì đã trở thành bánh của cả dân tộc. Nhưng cũng có những loại bánh được gắn liền với từng vùng quê nơi sinh ra nó như: bánh đậu xanh Hải Dương, mè xửng Huế, bánh phu thê, bánh xèo, kẹo dừa, kẹo cu đơ Bánh cáy cũng là một loại bánh dân dã mà ngoài quê lúa Thái Bình thì chưa thấy ở đâu có. Ngay cả ở trong tỉnh Thái Bình, chỉ bánh cáy được làm bởi những nghệ nhân làng Nguyễn (huyện Đông Hưng) mới là loại ngon nhất và có tiếng nhất.
Từ thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 tới thị trấn Đông Hưng, rẽ trái sang quốc lộ 39, đi một đoạn là tới làng Nguyễn quê hương của bánh cáy. Làng Nguyễn rất nổi tiếng với các sản phẩm của nghề dệt, nghề chế biến thực phẩm song đồ quí tiến vua thì chỉ có bánh cáy. Các cụ già trong làng kể lại: ngày xưa khi quan đại thần triều đình đi kinh lý vùng châu thổ, khi qua làng Nguyễn được dân dâng lên tiến vua vào mỗi dịp tết đến.
Làm bánh cáy khá phức tạp. Nguyên liệu chính của bánh cáy là gạo nếp, nhưng các nguyên liệu phụ thì rất nhiều như: gấc, quả hoặc là lá dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn
Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn.
Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ. gạo nếp hoa vàng được rang nổ bỏng, nở tung, sạch trấu, dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vở quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật.
Nghe tên bánh cáy nhiều người ngỡ đây là loại bánh làm từ con cáy biển, nhưng không phải. Bánh cáy được làm hoàn toàn bằng gạo nếp, lạc, vừng và các gia vị cũng như các loại hoa lá để tạo mầu cho bánh. Dân gian có truyền thuyết rằng loại bánh này là do thần cáy biển ban cho. Thuở ấy, cả một vùng phía tây tỉnh Thái Bình vẫn còn là những bãi lầy ven biển. cửa biển Đan Nhai cách không xa làng Nguyễn là mấy Không biết truyền thuyết kia đúng được bao nhiêu phần nhưng nếu nhìn kỹ lát bánh cáy, những màu vàng trắng xen lẫn hồng cam cho ta cảm giác nó giống như trứng cáy. Cũng có thể đây là lý do mà loại bánh cổ truyền này có tên là bánh cáy. Nhưng có lẽ do loại bánh cổ truyền này có vị hơi cay khi ăn nên gọi là bánh cay, rồi dần dần gọi lệch sang thành bánh cáyNhững hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Suối cá Thần Cẩm Lương (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Xã Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá (thuộc tổng Lương Điền xưa) nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ Bắc đến Đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi. Dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam.


Cẩm Lương, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây, cư dân tương đối ổn định, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Đến với xã Cẩm Lương, du khách không thể không tham quan suối cá Thần Làng Ngọc. Suối cá xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá.

Khác với những dòng suối thông thường khác, suối chỉ dài trên 150m, có một đàn cá tự nhiên với hàng ngàn con sinh sống từ bao đời nay. Nhân dân quen gọi đây là Vó cá thần hay suối cá Thần, tất cả tên gọi này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Thần Rắn:

Xưa có 2 vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm.

Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu 'Tứ Phủ Long Vương'.

Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi cá thần từ đó.

Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962, hiện nay chỉ còn lại nền móng.

Theo nhân dân trong vùng kể lại, đàn cá có những con nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với người và người dân nơi đây cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.

Từ đầu nguồn suối Ngọc leo lên dãy núi Trường Sinh, đường đi gấp khúc theo hình bậc đá, dễ dàng cho du khách tham quan danh thắng. Trên đường, du khách vừa đi vừa gạt lá để mở đường, hai bên đường là những loại cây của khu rừng già, nhiều tầng cây rợp bóng, khó có thể thống kê hết. Các loại cây đang tồn tại ở dãy núi Trường Sinh là những cây đền (họ tre) to cao, lóng dài dân vùng lấy về làm hông đồ xôi, có những cây đăng (họ sồi) cao chọc trời, thân hàng mấy người ôm.

Từ chân núi đi lên khoảng 200m, là gặp cửa động Đăng rộng mở đón du khách. Vòm cửa động cao 7m, rộng 8m, lối vào cửa thoáng rộng dễ đi. Bước vào cửa động du khách sẽ gặp một bước bức tranh bồng lai tự nhiên đập vào mắt, những suối thạch nhũ nhiều mầu từ vách động, vòm động rũ xuống. Thạch nhũ ở đây có lẫn những tinh thể của cát, của các loại khoáng chất, cho nên phát sáng giống như những khối kim cương khổng lồ ôm lấy vòm động. Động Đăng cao ráo rộng rãi, sạch sẽ.

Những mảng thạch nhũ kỳ lạ lát kín vách động và vòm hang, do thạch nhũ tự nhiên cấu trúc có hình thể kỳ lạ, du khách giầu trí tưởng tượng, hẳn sẽ xây dựng được những huyền tích thú vị theo mỗi bước chân.
Đã từ lâu, nhân dân địa phương đặt tên cho những cột thạch nhũ tiêu biểu nhưng rất giống với những hình thể sự thật cốt truyện. Tượng “Hạnh phúc” là cột nhũ như đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau thắm thiết, suối tóc cô gái để dài xuống lưng và tràn xuống gót; Tượng nhũ “Mẹ con” giống hệt một người mẹ trẻ tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; Kho lúa, từng tảng nhũ như những bó lúa chảy tràn tầng tầng lớp lớp từ vòm động đến các vách hang; Nhũ búa trời như một quả phật thủ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên vòm động như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất … Những cảnh kỳ ảo trong lòng động không ai có thể tả hết. Từ động Đăng đến động Đắng có những bức tranh toàn mỹ bằng chất liệu nhũ đá cuốn hút lòng người.

Những năm gần đây, môi trường tự nhiên đã và đang bị con người tàn phá làm ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các loài động, thực vật. Thế mà làng Ngọc vẫn còn một suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị của đất nước. Điều đó càng minh chứng cho ý thức trách nhiệm của người dân nơi đây, cũng như các ngành hữu quan để suối cá thần Cẩm Lương trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong cả nước về sự độc đáo và nguyên sơ của nó.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Khu du lịch Trần Lê Gia Trang (Trúc Lâm Viên)

Dulichbui's Blog - Tọa lạc tại thôn K’long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 15km, Khu du lịch văn hóa - nghệ thuật Trần Lê Gia Trang hay còn được gọi là Trúc Lâm Viên sẽ là một sự lựa chọn hợp lý khi bạn đến Lâm Đồng.
Khu du lịch văn hóa - nghệ thuật Trần Lê Gia Trang được khởi công xây dựng từ năm 2006 với hàng trăm nhân công, ngày đêm miệt mài làm việc đã biến nơi đây từ một vùng đồi hoang, sơ thành cảnh quan thật tuyệt mỹ. Toàn bộ khu du lịch được kiến tạo trong diện tích khoảng trên 40ha, với nhiều hạng mục công trình quy mô, mang đậm nét văn hóa truyền thống, nhiều ý tưởng độc đáo như: suối Thanh Lương và Dân Sinh, thác Bảy tầng, thác Tam Bảo, hồ Định An, nhà Thủy tạ, Vọng Nguyệt lầu, Nghinh Phong cát, cùng nhiều công trình nghệ thuật khác đang hòa mình vào thiên nhiên. Từ núi Voi hùng vĩ, những mạch nước ngầm âm thầm hội tụ thành dòng suối Thanh Lương đổ xuống thác Bảy tầng như một nhạc khúc nghìn năm bất tận làm nao lòng thi nhân mặc khách khi đến vãng cảnh chốn này.

“Trên dòng nước mát thác Thanh Lương.
Vọng lại âm thanh thật diệu kỳ,
Bóng bọt tung bay trên phiến đá.
Nghìn năm nhạc khúc nước trôi đi”.

Thông qua các hệ thống địa đạo là nơi vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách. Tất cả đều được thể hiện hết sức sinh động trong lòng núi. Dưới những rạng thông xanh thấp thoáng bên sườn đồi là những Bungalow tiện nghi và xinh xắn, là không gian riêng tư ấm áp cho một mái ấm gia đình.
Đan xen với những công trình xây dựng mỹ thuật có biết bao tiểu cảnh, cây kiểng, bonsai, hòn non bộ, thác nước nhân tạo hay Thạch Hoa viên với những kỳ hoa dị thảo giữa sa thạch hàng ngàn năm tuổi, tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc sống động.


Hòa mình giữa thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, non xanh nước biếc, thả hồn theo rừng thông đỏ vi vu hòa lẫn tiếng suối reo bên sườn núi Voi hùng vĩ ... Thưởng thức nét văn hóa độc nhất vô nhị trên cao nguyên Trúc Lâm Viên: Trà đạo tại vườn đá cảnh Nhật Bản với những khối đá, những bộ bàn ghế được chế tác công phu nhập nguyên bộ từ đất nước hoa anh đào...

...Nhẹ bước vào cõi thiền mênh mang tĩnh tại cùng Thất Tuệ Hiền tại trung tâm Trúc Lâm Viên... ...Đắm mình trước những tác phẩm tranh thêu tay nghệ thuật, độc đáo với kỹ thuật thêu nổi bằng chỉ tơ tằm trên nền tơ lụa, cảm nhận nét tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa Việt và kỹ xảo thiêu hoa của các nghệ nhân Trần Lê Gia Trang...



Từ trên đỉnh cao đồi vọng cảnh của khu du lịch, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một khu đồi bạt ngàn cây xanh, như thể đang đứng trước một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Với cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu trong lành được thiên nhiên ưu đãi, cùng với sự đi lên của một thành phố Đà Lạt thơ mộng, khu du lịch văn hóa - nghệ thuật Trần Lê Gia Trang sẽ là một địa chỉ quen thuộc, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách bốn phương mỗi khi có dịp dừng chân trên phố núi đầy sương để thưởng ngoạn chốn này...

Khu du lịch Trần Lê Gia Trang (Trúc Lâm Viên)
Địa chỉ : Thôn K’long, Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng (Trên đường cao tốc sân bay Liên Khương - Đà Lạt)
ĐT : (063) 3.504779, (063) 3. 504027
Fax : (063) 3.684334
Homepage: http://tranlegiatrang.com/
Hướng dẫn đi:
Đón xe đi Đà Lạt và xuống ở đoạn gần sân bay Liên Khương. Từ đó đón xe ôm vào Trần Lê Gia Trang. Ngõ vào Trần Lê Gia Trang nằm trên đường cao tốc, hướng về phía núi Voi thuộc thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Do khu du lịch nằm trên đường cao tốc nên đi bằng xe máy thì không thể vào khu du lịch được (đường cao tốc cấm xe gắn máy).

Tổng hợp (Báo Công An Tp.HCM, tranlegiatrang.com)

Sự kiện & Lễ hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 2010

Dulichbui's Blog- Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã công bố các Sự kiện & Lễ hội của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong năm 2010 trên trang thông tin chính thức của mình.

Theo đó năm 2010 Tỉnh Bà rịa Vũng Tàu sẽ tổ chức nhiều sự kiện & lễ hội hấp dẫn như Festival Diều Quốc tế lần 2 (từ ngày 24 đến 29/3/2010), Festival ẩm thực thế giới (cuối tháng 7 năm 2010), Lễ hội caravan Văn hóa du lịch Biển (dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010),...

Chi tiết các sự kiện lễ hội như sau:

1- FESTIVAL LƯỚT VÁN BUỒM QUỐC TẾ.
Với sự tham gia của nhiều cá nhân và nhóm vận động viên lướt ván buồm và lướt ván diều trong nước và quốc tế.
Thời gian: Dự kiến tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30-1-2010
Địa điểm: CLB thể thao biển KDL Biển Đông TP.Vũng Tàu.

2- KHAI HỘI VĂN HÓA DU LỊCH BR-VT NĂM 2010.
Hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, điểm nhấn chính là: Tái hiện nghi thức bắn súng thần công, Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Bình Giã.
Thơi gian: Từ mùng 1 đến mùng 10 tết Canh Dần (từ ngày 14 đến 24 tháng 2 năm 2010)
Chương trình khai hội gồm các hoạt động chính: Lễ khai hội VH-DL BR-VT 2010 vào tối mùng 8 tết tại Mũi Nghinh Phong TP.Vũng Tàu và Đêm hội “Bình Giã – Khúc ca khải hoàn” tái hiện nghi thức Lễ bắn súng thần công vào tối mùng 5 tết tại xã Kim Long ,Huyện Châu Đức..

3- FESTIVAL DIỀU QUỐC TẾ LẦN THỨ 2:
Chủ đề: “Vũ điệu Biển Đông”.
Festival với sự tham gia của 25 đoàn và cá nhân từ các câu lạc bộ ,hội nghệ nhân diều quốc tế và Việt Nam tham gia biểu diễn các con diều đẹp, mới lạ nhất.Tại Festival còn tổ chức biểu diễn kỷ thuật điều khiển diều bay phức tạp do các nghệ nhân diều hàng đầu thế giới đảm trách
Thơi gian: từ ngày 24 đến 29/3/2010.
Địa điểm: Bãi Sau Thành phố Vũng Tàu.

4- ĐẠI HỘI THỂ DỤC - THỂ THAO LẦN THỨ 5 TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.
Đại hội tập hợp các VĐV xuất sắc ở các địa phương từ cấp xã đến huyện, tỉnh tham gia thi đấu các môn thể thao có thế mạnh của địa phương như: Cờ vua, cờ tướng, bi sắt- petan , bóng chuyền bãi biển, Vovinam, thể dục thể hình, Taekwondo…để tuyển chọn các VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV/2010.
Thời gian: Đại hội khai mạc vào tháng 4 kéo dài đến tháng 8-2010.

5- GIẢI BÓNG CHUYỀN BÃI BIỂN NỮ QUỐC TẾ:
Giải thi đấu với sự tham gia 20 đội đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Thời gian: từ 22 đến 25/4/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông, Thành phố Vũng Tàu.

6- HỘI CHỢ HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN CÁC TỈNH PHÍA NAM:
Hội chợ dự kiến với 400 gian hàng tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị, tỉnh thành các tỉnh phía Nam .
Thời gian: Từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2010
Địa điễm: Khu tam giác Bãi Trước.

7- FESTIVAL ẪM THỰC THẾ GIỚI:
Festival Ẩm thực quốc tế tại Vũng Tàu giới thiệu các món ăn đặc sản địa phương của Việt Nam và giao lưu với các nền văn hóa ẩm thực của khoảng 80 đoàn tham dự đến từ 70 quốc gia trên thế giới .
Festival còn thực hiện những hoạt động đặc biệt khác: Tọa đàm chuyên đề văn hóa Ẩm thực của nhiều phong cách khác nhau trên thế giới. Biểu diễn nghệ thuật, kỷ thuật nấu ăn… do các giáo sư, nghệ nhân danh tiếng trên thế giới như Giáo sư Trần Văn Khê, Vua bếp thế giới Jan Cancook và một số đầu bếp hàng đầu Việt Nam tham gia thực hiện, Biểu diển nghệ thuật ca nhạc đường phố ,diểu hành carnavan…
Thời gian: vào cuối tháng 7 năm 2010
Địa điễm: Đường Thùy Vân ,Bãi Sau .

8- LỄ HỘI CARAVAN VĂN HÓA DU LỊCH BIỂN VÀ LỄ HỘI NGHINH ÔNG.
Thực hiện trên cơ sỡ nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông để khai thác văn hóa biển truyền thống, kết hợp lễ hội hóa trang, caravan đường phố để tôn vinh văn hóa biển tôn vinh nghề biển, tục thờ cúng cá Ông.Lễ hội tổ chức hoạt động hội chợ sản phẩm biển, ẩm thực biển…
Thời gian: dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010
Địa điễm: Đình Thắng Tam, đường phố Vũng Tàu khu vực Bãi Sau

9- FESTIVAL QUÀ TẶNG VIỆT - VIET SOUVENIR
Chủ đề: “Hồn Việt”.
Festival quà tặng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại BR-VT nhằm mục đích khôi phục giá trị thẩm mỹ, văn hóa của quà lưu niệm, tôn vinh giá trị của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam đem đến cho khách du lịch sản phẩm độc đáo mang giá trị tinh thần và giá trị sử dụng cao.
Festival sẽ quy tụ đại diện của gần 60 làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cơ sở có quà tặng nổi tiếng để cùng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, mở rộng liên kết, hợp tác…
Thời gian:Trung tuần tháng 11/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông và Trung tâm Thương mại Imperial Plaza, Đường Thùy Vân , TP.Vũng Tàu


Theo Sở Văn hóa Thể Thao & Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Festival thuyền buồm quốc tế tại Mũi Né

Dulichbui's Blog - Dự kiến diễn ra tại vịnh Mũi Né, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) từ ngày 20-24/10/2010, Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né-Việt Nam sẽ có khoảng 20 đội tuyển thuyền buồm đại diện cho khoảng 20 quốc gia tham dự như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Úc, New Zealand, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Argentina…

Có ý nghĩa chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và 15 năm Ngày du lịch Bình Thuận, ngoài trình diễn nghệ thuật thuyền buồm (mỗi đội tuyển quốc gia gồm 3 thuyền buồm 1 người và 1 thuyền buồm 2 người), festival thuyền buồm còn có các sự kiện liên quan như trình diễn thao tác và kỹ thuật lắp đặt thuyền buồm; triển lãm thuyền buồm quốc tế; hội thảo quốc tế về điều hành, sản xuất, tiếp thị và thương mại thuyền buồm tại thị trường châu Á. Với mục đích xây dựng một ngành giải trí thuyền buồm đẳng cấp quốc tế cũng như quảng bá hình ảnh xinh đẹp của vùng biển Mũi Né-Phan Thiết, đến thưởng lãm festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né 2010 mang tên “Nữ hoàng biển xanh” du khách còn có dịp hòa mình vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức như: Ga la chào mừng Festival thuyền buồm quốc tế; Chương trình nghệ thuật quốc tế chào biển Mũi Né do các ca sĩ, các ban nhạc Pop nổi tiếng đến từ Mỹ, Nga, Hy Lạp, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông biểu diễn; Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế khổ lớn; Nghệ thuật sắp đặt “Con đường dẫn đến thiên đường”; Bình chọn qua mạng hoa hậu “Nữ hoàng biển xanh” từ 20 người đẹp là hoa hậu du lịch, hoa hậu biển của các quốc gia có đội tuyển thuyền buồm tham dự festival, Lễ hội chào tạm biệt Mũi Né-Phan Thiết…Theo ông Nguyễn Văn Thu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận-nếu tăng cường thêm công tác truyền thông, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn giải trí quốc tế lớn, các đội tuyển thuyền buồm quốc gia mạnh cùng tham gia thì festival này sẽ là khởi đầu thuận lợi để xây dựng thương hiệu Mũi Né trở thành trung tâm kinh doanh giải trí thuyền buồm nổi tiếng trong và ngoài nước.Được biết, cả 2 đơn vị đồng tổ chức là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cùng với Công ty tư vấn đầu tư và giải trí Danhan vừa có buổi làm việc chính thức để thống nhất kịch bản Festival thuyền buồm quốc tế năm 2010 diễn ra tại vĩnh Mũi Né, thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp.

Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Lam Kinh (hay còn gọi là Tây Kinh) thuộc địa bàn xã Xuân Lam huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 52km về phía Tây Bắc.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.


Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía Nam nhìn ra sông Chu, xa xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Khu hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục nam bắc, trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương trong chữ Hán. 4 mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, thành phía Bắc xây phình ra thành hình cánh cung với bán kính 164m, thành dầy trên 1m.
Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dầy 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách "Hoàng việt dư địa chí" xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đáng yêu, không ai dám lấy.
Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng Thượng gia hạ kiều, qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ. Trước kia dưới giếng còn thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực. Bờ giếng phía Bắc có lát bậc đá lên xuống, gọi là bến nước.

Ngọ môn
Trước Ngọ môn có hai con nghê đá đứng canh. Nền Ngọ môn rộng 11m dài 14,10m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là rất lớn, đường kính chân tảng đo được 78cm. Ngọ môn 3 gian, bước gian giữa rộng 4,60m, bước gian bên rộng 3,50m.
Căn cứ vào chiều rộng của nền Ngọ môn và xét về tỷ lệ quy mô các công trình kiến trúc toàn khu cung điện, các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đã đi đến đoán định, Ngọ môn thành điện Lam Kinh là một công trình kiến trúc hoành tráng.

Sân Rồng

Qua Ngọ môn vào đến sân rồng (còn có tên gọi là sân chầu). Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích 3.539,2m2 (rộng 58,5m dài 60,5m).


Chính điện Lam Kinh
Qua sân rồng đến khu chính điện, gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,80m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m. Mặt bằng của điện bố trí hình chữ công I (chữ Hán).
Ngày 21 tháng 2 năm Bính Tý (1456) vua Lê Nhân Tôn đích thân đem các quan về bái yết sơn lăng ở Lam Kinh, nhà vua đã lệnh cho các đại thần đặt tên các điện. Theo đó, điện phía trước gọi là điện Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là điện Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là điện Diên Khánh (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian hai đầu hồi chỉ rộng 2m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện.
Đây là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính 62cm. Căn cứ vào chiều rộng của nền điện, khoảng cách của hai hàng cột cái thì cung điện nay có 2 tầng mái. Kiến trúc ba Toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ.


Từ sân rồng lên chính điện là thềm rộng lớn, rộng 5m có 9 bậc với 3 lối lên, có chiều rộng không bằng nhau, lối giữa rộng 1,80m, lối bên rộng 1,21m. Hai bên lối giữa trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc, trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa trên sóng xoắn, trên đầu thể hiện một bờm, mép rồng trang trí hình râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người nắm gọn râu phần dưới đặt trên một viên ngọc. Gọi là long hí châu (rồng vờn ngọc). Theo sự đánh giá của nhà nghiên cứu người Pháp tên là Louis Bezacien là "Nghệ thuật tạc rồng ở đây rõ ràng nổi hơn hẳn hình rồng ra đời muộn hơn thường chạm trong các đền chùa Việt Nam".

Khu thái miếu triều Lê Sơ

Cửa giữa sau điện Diên Khánh có hai lan can đá mỗi lan can tạc một con rồng có thân và đuôi hình con sóc. Từ trên điện đi xuống thềm là khu sân Thái miếu.
Sau sân gồm 9 toà Thái miếu thờ Thái hoàng Thái phi, mỗi nền Thái miếu có kích thước gần bằng nhau, dài 16m, với diện tích 200m2, tổng diện tích của 9 nền thái miếu là 1.800m2. Gạch lát nền là gạch vuông lát chéo, giữa các Thái miếu có một lối đi lát gạch rộng khoảng 4m. Lối đi này có thêm tác dụng thoát nước. Nền Thái miếu cao so với sân 90cm.
Trước mỗi Thái miếu đều có một lối lên 5 bậc, hai bên lan can tạc hai rồng uốn khúc bằng cả một phiến đá dày nguyên khối, rồng ở đây nhỏ hơn rồng ở thềm trước chính điện nhưng hình dáng và phong cách giống nhau.
Sau khu Thái miếu khoảng 50m là tường thành phía Bắc, xây theo hình vòng cung, có đường kính 165m, ôm bao bọc toàn khu cung điện và Thái miếu mặt Bắc.
Ngoài các công trình quan trọng như chính điện Thái miếu ra, trong khu hoàng thành còn nhiều công trình khác.
Hai bên sân rồng có hai nhà tả vu và hữu vu chạy dài suốt cả chiều sâu sân rồng.
Phía Tây khu chính điện còn có hai điện thờ lớn, mỗi điện 5 gian, đó là Chiêu Hiếu Điện còn gọi là Lam Kinh Tây giáp thất điện, thờ Tuyên Tổ Hoàng đế Lê Khoáng bố đẻ của Vua Thái Tổ và thờ Chiêu Hiếu đại vương Lê Thạch con của Chiêu Hiếu đại vương Lê Học. Điện Hoằng Hựu thờ Hoằng Hựu đại vương Lê Trừ, anh thứ hai của Thái Tổ.
Phía Đông khu chính điện là khu cư xá của các quan và quân lính trông coi khu kinh thành. Trong khu vực phía Đông còn một khu bếp núc. Theo kết quả khảo sát phát hiện được nhiều đồ gốm sứ ở khu vực này.


Lăng mộ các vua và hoàng hậu ở lam kinh
Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ ở Lam Kinh gồm có 8 lăng của các Vua và Hoàng Hậu, trong đó lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Lăng của các vua kế nghiệp và Hoàng Hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây.

Vĩnh Lăng - Lăng Lê Thái Tổ
Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Thuận Thiên thứ 6, tức năm Quý Sửu, Thái tổ Cao Hoàng đế băng hà. Cùng năm ấy ngày 23 tháng 10 táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn.
Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng ở chân núi Dầu phía Nam, cách thành Bắc điện Lam Kinh 50m, nằm trên tuyến trục Bắc - Nam giữa núi Dầu và núi Chúa, tạo thành thế hậu chẩm Bắc Sơn, tiền án Nam Sơn. Bên trái có núi Phú Lâm và núi Hổ; bên phải có núi Hướng và núi Hàm Rồng tạo thành hai cánh tay ngai với thế long chầu hổ phục; phía chính diện của Vĩnh Lăng, cách trên 1.000m là dòng sông Chu uốn cong hình vành khuyên, ôm lấy mặt tiền Vĩnh Lăng, chiều dòng chảy từ phải sang trái tạo thành thế tụ tuỷ. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay thì Vĩnh Lăng được chọn đặt ở một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng Lam Sơn.
Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên mà trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh trước kia xây chèn bằng loại gạch thường, bị sụt lở do sự xâm thực phá huỷ của thảo mộc, nay xây thêm bằng đá đục ở bên ngoài, có cạnh 4,4 m cao 1m.
Trước lăng có hai hàng tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá, dựng ở đây để trấn trạch, nghĩa là làm cho khu lăng luôn luôn được yên lành, không bị tà ma quấy nhiễu và cũng là để tôn lên quang cảnh tôn nghiêm kính cẩn của lăng tẩm vua chúa.
Đứng đầu hai hàng tượng, ở vị trí gần lăng là hai pho tượng quan hầu, bên trái là quan văn, bên phải là quan võ. Đây là cách sắp đặt theo phép bố trí quan chức thời vua Lê Thái Tổ, đặt hai chức quan đại thần đứng hàng đầu triều gồm quan Thị Trung bộc xạ trông coi việc then chốt về chính trị và quan Thái Uý nắm giữ quyền tối cao trong quân đội.
Kế tiếp hàng tượng quan hầu là tượng bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai sư tử, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ. Trước lăng 70cm có một hương án bằng đá để đặt bát hương và lễ vật. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng 20,35 m gọi là thần đạo.
Đặc trưng nghệ thuật ở các tượng người và con giống ở đây khác biệt so với những tượng trong các lăng khác ở Lam Sơn và nhiều nơi khác.
Niên đại của các tượng này đã được xác minh là chế tác từ năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433). Tượng có thân hình nhỏ bé, phong cách dân gian, ngựa không thắng yên, tê giác không bành, hổ ngồi hiền từ, sư tử cách điệu như hình lợn rừng.
Nhìn toàn cảnh lăng Lê Thái Tổ thật là giản dị, gần gũi mà tôn nghiêm, trang trọng.

Bia Vĩnh Lăng
Vĩnh Lăng (Lăng Lê Thái Tổ) bố trí trong một khoảng không gian rộng lớn. Nền dựng bia xây trên đỉnh một gò đất rộng, cao thoai thoải, mặt tiền của bia nhìn về hướng nam, cùng hướng với lăng. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,79 m, rộng 1,94 m, dầy 0,27 m, đặt trên lưng một con rùa cỡ lớn cũng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, có chiều dài 3,46 m; rộng 1,94 m; cao 0,9 m. Trên thân rùa còn lưu lại nhiều dấu vết rõ nét vỏ áo các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, ốc…


Hoa văn trang trí trên bia và niên đại được xác định cụ thể vào năm Thuận Thiên thứ sáu tức là năm Quý Sửu (1433). Đây là một cứ liệu quý giá để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí Việt Nam thời Lê Sơ. Trán bia trang trí một hình vuông, trong hình vuông trang trí một hình tròn biểu trưng cho trời đất. Giữa hình vuông và hình tròn khắc áng vân mây cách điệu tinh tế, chính giữa khắc một đầu rồng nhìn thẳng, thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình mặt trời, biểu trưng là Thiên tử do sự giao hoà của trời đất sinh ra. ở cánh cung hai bên của hình vuông và hình tròn khắc hai hình rồng vươn mình đối nhau chầu vào, cùng một phong cách. Trên nền, trang trí loáng thoáng hình áng mây; đường diềm hai bên của bia tính từ đỉnh xuống đến đáy bia, mỗi bên trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề có khắc hình một con rồng uốn mình theo lá, đầu vươn lên trên nối tiếp nhau. Khoảng không nền nửa lá đề chạm hình hoa cúc dây với nghệ thuật tinh sảo. Phong cách chạm khắc hình lá đề biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật. Nội dung văn bia do Vinh Lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi phụng soạn.
Bia Vĩnh lăng chính là một công trình văn hoá đặc sắc của chúng ta.


Hựu lăng- lăng vua Lê Thái Tông
Vua Lê Thái Tông huý là Nguyên Long là bậc vua giỏi, ở ngôi 9 năm (1434 - 1442), đi tuần thú ở miền đông rồi băng hà, mai táng ở Hựu Lăng.
Hựu Lăng ở bên tả Vĩnh Lăng cách Vĩnh Lăng trên 800m và thuộc một điểm cao của rừng Phú Lâm.
Lăng Khôn Nguyên Chí Đức - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao
Lăng Thái Hậu được xây ở một khu đất thấp phía Đông, cách Vĩnh Lăng 700m, phía Nam Hựu Lăng 100m, gọi là Xà Đàm. Điều khác biệt với lăng các vua là tượng quan hầu đặt ở hai bên tả hữu gần lăng là tượng nữ quan trông hiền từ mà nghiêm trang. Các tượng con giống khác cũng tương tự như ở các lăng khác, chỉ có điểm khác biệt là các con giống này đều thân mập và bụng to, điêu khắc trong trạng thái phóng khoáng sinh động.
Bia lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao cách lăng của Bà khoảng 150m. Bia làm bằng đá nguyên khối, cao 2,76m, rộng 1,90m, dày 0,28m đặt trên lưng một con rùa lớn, tạc bằng một khối đá dài 2,65m, rộng 1,84m, cao 0,69m. Bia hai mặt đều khắc chữ do các ông Nguyễn Bảo, Nguyễn Xung Xác, Bùi Sĩ Nho là quan của Hàn Lâm Viện vâng mệnh soạn.
Hoa văn trang trí trên bia và niên hiệu đã được xác minh, bia dựng năm Mậu Ngọ (1498). Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị nhiều mặt cuối thế kỷ XV.

Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông
Chiêu Lăng nằm ở bên tả Vĩnh Lăng lệch về phía Đông nam, cách Vĩnh Lăng 700m. Chiêu Lăng xây theo hướng nam, trên một khoảng đất rộng thuộc địa phận làng Phú Lâm, xã Xuân Lam ngày nay.
Nghệ thuật điêu khắc tượng và con giống ở lăng này là nghệ thuật cung đình, các con giống và quan hầu đều có hoa văn rãnh sâu và mềm dẻo. Các con giống có hình dáng béo mập, bụng to. Một điều đáng quý là tượng và con giống ở Chiêu lăng còn lại tương đối đầy đủ, đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu nghệ thuật chạm khắc đá cuối thế kỷ XV.
Bia Chiêu Lăng dựng trên một khoảng đất bằng, cách Chiêu Lăng 200m về phía Đông Nam. Bia là một tấm đá nguyên khối dựng trên lưng một con rùa đá lớn. Bia có kích thước cao 2,76m, rộng 1,89m, dày 28cm, rùa thân dài 2,65m, rộng 1,84m, cao 69cm, trang trí hoa văn đơn giản.
Bia hai mặt đều khắc chữ do các ông Thân Nhân Trung; Đàm Văn Lễ; Nguyễn Đức Tuyên; Tô Ngại; Phạm Bảo là quan của Hàn Lâm Viện vâng mệnh soạn và viết chữ.
Chiêu Lăng là nơi an nghỉ của vua Lê Thánh Tông, một ông vua văn võ toàn tài đã có công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển đến đỉnh cao của thời đại xã hội phong kiến Việt Nam. Chiêu Lăng hiện đã được tôn tạo xứng tầm, thể hiện sự tôn vinh của dân tộc.

Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông
Vua Lê Hiến Tông được mai táng ở Dụ Lăng, cách Vĩnh Lăng gần 300m, thường gọi là lăng Bảo Lạc. Dụ Lăng có thế đất rộng rãi, thoáng mát, sơn thuỷ hữu tình. Nghệ thuật tạc tượng tròn ở Dụ Lăng hoàn toàn là nghệ thuật cung đình, các con giống đều có yên cương, mũ quan văn - quan võ đều có đai mũ che gáy, cổ.
Bia Dụ Lăng dựng trên điểm cao của gò núi phía Tây Nam Dụ Lăng, cách Dụ Lăng 80m. Bia là một tấm đá nguyên khối dựng trên lưng một con rùa đá lớn, có kích thước rộng 1,90m, cao 2,78m, dày 27cm. Rùa dài 2,64m, rộng 1,83m, cao 67cm. Nội dung văn bia do các ông Nguyễn Nhân Thiếp; Phạm Thịnh; Thu Thiện Thiếu Doãn; Trình Chí Sâm; Bùi Sĩ Nho; Vũ Văn Thao; Phạm Bảo vâng mệnh soạn.

Kính Lăng - Lăng Vua Lê Túc Tông
Vua Lê Túc Tông ở ngôi chưa được 1 năm không may mất sớm, hưởng thọ 17 tuổi, mai táng ở Kính Lăng - Lam Sơn năm 1505.
Kính Lăng được xây dựng trên đỉnh núi Hổ, cách Vĩnh Lăng 4km về phía Đông Bắc, nay thuộc nông trường Sông Âm thuộc địa phận xã Kiên Thọ - huyện Ngọc Lặc. Lăng xây theo hướng Nam chếch Đông với 150 tượng quan hầu và các con giống sắp đặt như ở Dụ Lăng.
Bia Kính Lăng dựng trên một mảnh đất bằng cách Kính Lăng 300m về phía Đông nam. Bia làm bằng đá nguyên khối, rộng 1,90m, cao 2,64m, dày 30cm được đặt trên một con rùa bằng đá dài 3,35m, rộng 2,05m, cao 43cm.
Nội dung văn bia do các ông đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm vâng mệnh vua Lê Uy Mục soạn.
Bia dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505).

Khu đền thờ Lê Lợi

Khu đền thờ vua Lê Lợi thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách khu di tích Lam Kinh 150m về phía Nam. Đền do một số nhà hảo tâm đứng ra quyên góp vào những năm đầu của thế kỷ 20 để làm nơi thờ vua Lê Thái Tổ (Trong khi khu di tích Lam Kinh bị tàn phá chưa được trùng tu). Hiện khu đền thờ này đã được sát nhập vào quản lý cùng với khu di tích Lam Kinh.

Khu đền thờ Lê Lai (ĐềnTép)
Thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách khu di tích Lam Kinh 6km về phía Tây Bắc, thờ Trung Túc Vương Lê Lai- một vị Khai quốc Công thần của triều Lê Sơ. Chuyện kể rằng, nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu tụ nghĩa lực lượng còn rất non yếu. Trong một lần bị quân giặc vây khốn, Lê Lai đã cải trang thành Lê Lợi và anh dũng hy sinh. Quân giặc tưởng đã tiêu diệt được thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nên đã lui quân. Nhờ đó nghĩa quân được bảo toàn lực lượng tạo tiền đề cho chiến thắng sau này. Tấm gương hy sinh anh dũng của Lê Lai đã được nhân dân ghi nhận, lập đền thờ tại quê hương ông.

Đền thờ Bố Vệ
Vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long sai dỡ điện Lam Kinh, rồi từ Lam Kinh lại chuyển về làng Bố Vệ, nay thuộc phường Bố Vệ, thành phố Thanh Hoá để thờ.
Nguyên đền Bố Vệ xưa thuộc thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, là sinh quán của bà hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vợ vua Lê Thái Tông. Sinh thời bà dựng điện Chiêu Hoa ở đây, để lấy chỗ nghỉ ngơi khi về thăm quê. Khi bà mất, năm 1460, vua Lê Thánh Tông cho sửa điện này thành điện Hoàng Đức để thờ bà. Năm 1805, vua Gia Long cho dời đền thờ các vua Lê ở Lam Kinh về điện Hoàng Đức, tập trung 28 bài vị của các vua Lê và hoàng hậu tại đây và người ta quen gọi là đền Nhà Lê, hay đền Bố Vệ.
Đền có kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Buổi đầu tất cả các pho tượng, bài vị, đồ minh khí thờ các vua Lê ở Thăng Long đều tập trung tại đây, nhưng nay phần lớn đã không còn. Chỉ còn lại tượng Lê Lợi bằng đồng, tư thế ngồi như người thật, đặt ở chính tẩm, hai bên tả hữu có tượng của Nguyễn Trãi và Lê Lai. Những pho tượng này, do một nhà tư sản cung tiến năm 1935.
Hàng năm, cứ đến ngày 21, 22 tháng tám âm lịch, nhân dân khắp nơi nô nức về Lam Kinh và cả đền Bố Vệ, để dự tưởng niệm công đức của hai anh hùng cứu nước Lê Lợi và đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công khôi phục giang sơn, đất nước.

Theo Sở du lịch tỉnh Thanh Hóa