Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Tả-pí-lù

Dulichbui's Blog - Từ nguồn cá tươi, sống, người xứ U Minh Thượng chế biến ra nhiều món ăn rất độc đáo dưới những hình thức khác nhau như : chiên, kho, canh v.v... Nhưng ăn một lần để nhớ suốt đời thì phải nói đến món “tả-pí-lù”...


Sở dĩ có cái tên nghe là lạ, hay hay như vậy là vì đây là món ăn có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa di cư ở U Minh Thượng. Nguyên nghĩa tiếng Hoa của từ "tả-pí-lù" là ăn ngấu nghiến ngay trên lò nấu.
Thực chất, đây chính là món cá tái.
Người ta chọn cá to, nhiều thịt để thái thành từng miếng mỏng. Cá nguyên liệu thường dùng nhất là cá lóc, cá trê, đôi khi cũng sử dụng luôn cả cá rô, cá sặc bướm lọai lớn. Những miếng cá này được nhúng trong nồi nước đang sôi có thành phần cơ bản là dấm, nước dừa tươi có nêm gia vị. Miếng cá săn lại, chuyển sang trạng thái tái thì được vớt ra ăn ngay, không để chín hoàn toàn, vì nếu qua chín, lúc đó thịt mềm, bở ra như đã bị luộc, mất ngon.
Ăn cá tả-pí-lù phải có nước mắm cay, ngon, rau nhiều.
Nước mắm phải được chế biến lại thành một thứ nước chấm khá đặc biệt: Vừa mặn, lại phải có hậu vị ngòn ngọt, chua chua, thơm thơm và cay nồng. Thông thường thì người ta dùng nước mắm nguyên chất (nhất là nước mắm Phú Quốc, nếu không thì ít ra cũng phải là nước mắm hòn Sơn Rái là hai hòn đảo nổi tiếng của Kiên Giang về sản xuất lọai thực phẩm này ) để chế biến nước chấm. Cách pha chế không khó, nhưng nếu không chú ý thì sẽ rất dễ hỏng. Trước tiên là phải có vài tép tỏi, mấy trái ớt chín (ớt hiểm càng tốt) cho vào chén dùng chày giã nát, sau đó trộn thêm ít đường cát rồi chế giấm hoặc vắt chanh vào, trộn lên cho đường tan đi. Cuối cùng là cho nước mấm vào quậy đều, khi thấy những mảnh tỏi, ớt nhỏ nổi hết lên trên là được. Nếu sai qui trình này, ớt và tỏi chìm xuống đáy chén thì ăn mất ngon.
Rau trong món ăn này khác với rau của món cá nướng trui, dù cũng là rau đồng. Do cách thưởng thức món tả-pí-lù là ăn ngay khi vớt cá ra khỏi bếp, lại là cá tái nên rau cũng được tái chung, ăn tới đâu nhúng tới đó cho nóng, nhưng không để lâu trong nồi nước sôi. Phần lớn rau là các lọai mọc ven bờ mẫu, chân ruộng mới gặt hái xong như rau cóc, tàu bay, chân vịt, muống đồng,… không phải lọai dùng để ăn sống.
Cá, rau đều nóng, thức hấm lại cay nên không khí trong bữa ăn với món tả-pí-lù thật tuyệt: Rất vui tai với tiếng đũa chạm vào chén hay xoong, nồi lạch cạch pha lẫn với tiếng trò chuyện rôm rã và tiếng xì xụp, hít hà của những người không quen ăn cay. Người lần đầu tiên được ăn tả-pí-lù với người dân địa phương, chắn chắn sẽ nhớ suốt đời món ăn độc đáo này.
Món ăn ngon, lạ miệng này dần dần lan sang người Việt, người Khmer và được hưởng ứng nhiệt tình. Có người nói món tả-pí-lù là món lẫu. Thực chất thì về hình thức, lẫu cũng được ăn theo cách ấy. Song với lẫu thì thịt cá gì cũng có thể sử dụng được (nên ngày nay mới có lọai “lẫu thập cẩm”) vì vậy, đó có thể chỉ là một sự cải biến của món tả-pí-lù mà thôi.


Phương Lan
Trang thông tin tỉnh Kiên Giang
Ảnh: vnnavi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét