Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Mắm sò Lăng Cô

Dulichbui's Blog - Vùng Lăng Cô, huyện Phú Lộc, ngoài nổi tiếng là 1 trong 30 vịnh đẹp nhất của thế giới-có bãi biển cát mịn trải dài 12 km, cùng đầm An Cư rộng chừng 1800 ha thông ra biển, non nước hữu tình, điểm đến của du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bậc nhất của Việt Nam. Còn vang danh về phong vị ẩm thực với vô số hải sản đặc sắc như: tôm, cua, cá, mực, ốc và sò huyết. Nhưng ấn tượng hơn cả là món mắm sò, chỉ cần thưởng thức một lần thôi ai cũng sẽ nhớ mãi hương vị của mắm đặc trưng này.

Sò đầm An Cư ở Lăng Cô có quanh năm và chất lượng chẳng thua gì sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên). Vào chợ Lộc Hải, thôi thì ngày nào cũng có sò vun từng ụ tướng đại. Được biết, khi tiết trời vào hạ là mùa sò đổ về chợ nhiều nhất. Đây cũng là lúc nghề làm mắm sò của người dân nơi đây hoạt động rộn rã trong mỗi cảnh nhà.

Sò làm mắm thường là sò răng, sò nhọn, sò bi và sò lông. Để có mắm ngon, phải qua các công đoạn chế biến kể cũng lắm công phu và lành nghề của con dân miệt đầm An Cư. Sò bắt về đem rửa sạch vỏ, cho vào chiếc thau nhựa ngập nước rồi lấy mũi dao nhọn cạy miệng, chẻ vỏ. Chẻ vỏ sò phải khéo tay, thao tác phải nhanh nhẹn. Bởi muốn có mắm ngon, sò chẻ vỏ phải giữ nguyên cả ruột. Công đoạn này tất thảy từ người già đến trẻ quê đây không ai lại không thuần thục. Sò chẻ xong đem sàng rửa sạch cho hết nước đục, lại bỏ hết cát xong để cho ráo. Sau đó, lấy ớt trái đỏ đã xay nhuyễn, củ riềng xắt chỉ và muối hột, tất cả cho vào thau sò trộn đều. Và tuỳ theo lượng sò ruột, người làm mắm với cảm quan kinh nghiệm gia truyền có thể gia giảm thêm bớt muối, ớt, riềng để đảm bảo chất lượng mùi vị cho mắm. Tiếp theo cho mắm vào 2/3 chai thuỷ tinh có dung tích 0,65lít rồi đậy nắp thật kín không cho lọt gió để nuôi sò lên nước chừng 10 đến 15 ngày. Khi thấy nước sò đọng lại ở đáy chai cở 2 lóng tay, còn thịt sò thì nổi lên trên mặt, như vậy là mắm sò đã chín, có thể đem ra dùng được.

Cũng như mắm rò, mắm tôm, mắm sò cũng thích hợp với rau sống, càng nhiều vị rau như: xà lách, cải con, rau thơm, tầng ơ... và quả xắt mỏng gồm: chuối chát, vả, khế chua, dưa leo...kẹp cùng lát thịt heo ba chỉ luộc xắt mỏng chấm với mắm ăn càng ngon, tăng thêm khẩu vị. Chỉ nghe thôi đã thấy đây là món ăn lạ miệng “bắt” cơm.


Người sành điệu không cần nếm thử mà chỉ cần nhìn qua là đã biết mắm ngon hay dở, bởi coi chổ màu sắc của mắm. Mắm ngon nhất là loại mắm sò sặc với màu đỏ trắng, do làm từ sò răng, sò nhọn sống ở môi trường đất cát nên có vị ngọt, mùi thơm. Còn mắm sò bi có màu đỏ thẩm, được xem là mắm loại hai do được làm từ sò bi, sò lông sống ở môi trường đáy nước nhiều bùn, kém vị ngọt và mùi thơm. Theo đó, hiện một chai mắm sò sặc có giá từ 30-35.000 đ/chai. Mắm sò bi chỉ có giá 20.000đ/chai. Đến Lăng Cô, trong bửa cơm nhiều người chọn món mắm sò dù chỉ để ăn chơi cho biết, nhưng khi rời không ít người nhất định phải mua cho bằng được một vài chai mắm sò đem về, như là một món đặc sản vùng để khoe với người nhà vậy.

Cũng như tâm trạng nhà văn Đoàn Giỏi, sau những năm tháng xa cách quê hương Nam bộ thời gian tập kết ở miền Bắc, nhớ tha thiết các món mắm trứ danh đặc sản quê hương Nam bộ, đã ký thác qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam”, thì những người dân Lăng Cô nói chung và thôn An Cư Đông I xa xứ nói riêng hễ nghe nhắc đến An Cư-Lăng Cô đã thấy dậy lên trong tiềm thức mùi thơm cực kỳ hấp dẫn của mắm sò. Cảm thấy đói bụng, đồng thời cũng hiện ra theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm khiến lòng rưng rưng xao xuyến, lởn vởn hiện ra chung quanh món ăn thuần phát đậm đà, mang đặc tính tiêu biểu của mùi vị quê hương xứ đầm An Cư-Lăng Cô này.


Võ Triết (Đài phát thanh truyền hình thừa thiên Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét