Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Người gốc Việt đầu tiên trượt tuyết tới Nam Bắc Cực

Dulichbui's Blog - Cuối năm 2009 tôi (ảnh) đã có dịp trượt tuyế́t đến Nam Cực, sau khi cũng đã có một dịp tương tự đến Bắc Cực một năm trước đó.
Có người hỏi tôi tại sao lại muốn đi Nam Cực. Câu trả lời ngắn là tại sao không. Nhưng đó chỉ là một phần mà thôi. Cuối năm 2005, tôi may mắn có dịp đi châu Nam Cực theo dạng du lịch bằng tàu đến các đảo và bán đảo châu Nam Cực. Cảnh vật ở đấy rất đẹp, thật hùng vĩ và hoang sơ.
Tôi đã đi các vùng miền bắc Canada, Greenland và Iceland và rất mê các vùng này nhưng khi đến châu Nam Cực, tôi biết mình sẽ phải thực hiện các chuyến đi lớn hơn và xa hơn để thỏa mãn sự đam mê này.
Hơn nữa tôi cũng có chút máu mạo hiểm và ưa sự thử thách, nên thế là ba năm sau tôi quyết định đi Bắc Cực theo kiểu mạo hiểm là trượt tuyết thay vì chỉ bay tới đó.
Chuyến đi Bắc Cực thành công nên tôi muốn thử thách mình hơn chút nữa, đó là Nam Cực.
Đa số chúng ta sống ở các vùng không cao hơn mặt nước biển là mấy nên nếu đặt chân đến Nam Cực, ta sẽ bị hội chứng độ cao như khó thở, nhức đầu, nôn mửa hay bị ảo giác và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bắc Cực vs. Nam Cực
Tuy lần này cũng trượt tuyết từ vĩ độ 89 đến vĩ độ 90, với khoảng cách 112 km, giống như chuyến đi Bắc Cực, nhưng hai chuyến là khá khác nhau.
Bắc Cực nằm giữa Bắc Băng Dương nên băng lúc nào cũng trôi dạt theo luồng nước. Cho nên việc di chuyển trên băng khá nguy hiểm vì chúng có thể vỡ.
Nam Cực tuy nằm trên băng nhưng lớp băng này rất dày, có khi gần 3000 m, phủ trên mặt đất của châu Nam Cực, nên băng chỉ trượt rất ít (khoảng 10 m mỗi năm). Do vậy việc di chuyển đến Nam Cực ít nguy hiểm hơn.
Nhưng Nam Cực có cái khó khác là vì lớp băng dày gần 3 cây số, và vì ở trục quay của trái đất, áp suất không khí thấp hơn nên nó giống như ở độ cao 4000m so với mặt biển.
Đa số chúng ta sống ở các vùng không cao hơn mặt nước biển là mấy nên nếu đặt chân đến Nam Cực, ta sẽ bị hội chứng độ cao như khó thở, nhức đầu, nôn mửa hay bị ảo giác và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, tính chất của tuyết ở hai cực rất khác nhau. Tuyết tại Bắc Cực cứng vì không khí có độ ẩm vì nằm trên mặt nước trong khi tuyết tại Nam Cực xốp và gần như là cát. Sức cản của tuyết ở Nam Cực khá lớn nên kéo sled rất mệt.
Chuẩn bị
Tuy đã trượt tuyết đến Bắc Cực và đã có kinh nghiệm, nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi, tôi đã tập luyện và chuẩn bị sức khoẻ gần cả năm.
Tôi nhỏ con (1m64) và nặng chỉ có 56kg vì vậy để kéo sled nặng 35-45 kg trên tuyết, cần phải có sức khỏe tốt, tim mạch tốt.
Và nhất là phải quen với độ cao với tình trạng loãng oxy. Các bài tập luyện chính là leo máy thang (stairmaster), máy chèo thuyền (rowing), chạy xe đạp, nói chung là các bài tập về cardiovascular.
Cuối tuần thì đi hiking ngọn đồi cao 767m gần nhà và mang balô nặng khoảng 18-19 kg.
Để quen việc kéo sled, tôi đi ra bãi biển cũng gần nhà kéo bánh xe hơi. Cũng may bãi biển này vắng nên ít người hỏi tôi kéo vỏ xe để làm gì.
Ngoài các bài tập như trên, tôi cũng tham gia các chuyến leo núi như Mt Shasta (4322m), Mt Rainier (4392m) và Mt Whiney (4421m) để quen với độ cao trên 4000m và cường độ hoạt động ở các độ cao này.

Lên đường
Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày khởi hành của chuyến đi chờ đợi cũng đến.
Tôi đến Punta Arenas (Chile) vào ngày 14 tháng 12, hai ngày trước khi ngày khởi hành để chuẩn bị cho những thứ phút cuối.
Trong cuộc họp chuẩn bị, tôi gặp hai trong số bốn người đồng hành của mình. Đó là một doanh nhân Trung Quốc tên Nubo Huang và một kỹ sư người Đức Andreas Meyer.
Nhóm tôi có 5 người với người dẫn đường là 6. Hai người còn lại là cặp vợ chồng luật sư người Anh, John Sipling và Tanya Sipling.
Người dẫn đường và cặp vợ chồng người Anh lúc này đã ở trại Patriot Hills tại châu Nam Cực để tập luyện trước.
Ngày bay, chuyến bay bị dời lại vài lần vì thời tiết tại Patriot Hills xấu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng lên đường.
Đến khi ngồi trong máy bay tôi mới có cảm giác là mình sẽ bắt đầu một chuyến đi lớn, gần như là một lần trong đời.
Và lúc đó tôi nhận ra rằng giấc mơ Nam Cực đã rất gần, chỉ hy vọng mọi việc được suôn sẻ vì từ lâu tôi đã biết những chuyến đi mạo hiểm như thế này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, sự may mắn và sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị tốt thì có thể nhưng hai thứ kia không ai điều khiển được.


Patriot Hills
Đây là trại (basecamp) của công ty tổ chức chuyến đi.
Trại nằm vĩ độ 80 độ nam và 81 độ tây, nằm trong đất liền của châu Nam Cực.
Trại chỉ hoạt động ba tháng từ cuối mùa xuân đến mùa hè của nam bán cầu để phục vụ công việc vận chuyển và tổ chức các chuyến đi mạo hiểm đến Nam Cực và leo núi Vinson tại châu Nam Cực. Trại được dựng lên và dẹp đi hàng năm.
Việc chuyên chở, hậu cần ở châu Nam Cực rất phức tạp vì thời tiết, địa hình và sự hoang sơ hiểm trở và khoảng cách. Vì vậy chuyến đi rất đắt tiền vì tất cả mọi thứ đều phải chuyên chở từ Chile đến.
Ngay cả việc máy bay có thể đáp xuống “đường băng” cả là một vấn đề. Đường băng ở đây đúng là một đường băng theo nghĩa đen – máy bay đáp xuống băng và không thể dùng thắng để ngưng lại mà phải cho động cơ quay ngược để máy bay chậm lại từ từ.
Tất cả những chất thải, từ rác, nước rửa chén bát đến chất thải con người (cả hai thứ) đều được mang về lại đất liền chứ không để lại tại trại vì họ muốn bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đến trại Patriot Hills ai nấy đều phấn khởi.
Người ở chung lều với tôi, cũng là một người Anh, nói chỉ việc đến trại này thôi cũng đáng tiền.
Thật vậy, trong chuyến bay của tôi có một người Nhật còn khá trẻ nhưng anh có lẽ bị dị tật ở chân nên phải xài nạng. Anh bay đến trại chỉ để ở đó một giờ rồi bay về lại Chile. Tôi nghĩ anh cũng tốn khá nhiều cho chuyến bay này.
Chúng tôi ở trại vài ngày để thực tập và làm quen với các công việc hàng ngày mà chúng tôi sẽ làm trong chuyến đi.

Vĩ độ cuối cùng
Sau 4 ngày thực tập và chờ đợi thời tiết tốt, chúng tôi, 5 người không quen biết mấy ngày trước đó và David Hamilton (người Anh) cùng lên máy bay Twin Otter nhỏ để bay đến vĩ độ 89 nam để bắt đầu cuộc hành trình của mình.
David Hamilton là người đã dẫn đường cho Sir Ranulph Fiennes trong lần leo núi đầu tiên lên đỉnh Everest hồi năm 2005.
Khi máy rời chúng tôi tại vĩ độ 89 nam, tôi biết rằng chúng tôi chính thức chia cắt với thế giới.
Một cảm giác xáo trộn, vừa háo hức vừa lo về thử thách mà mình có thể chưa bao giờ biết đến.
Các bạn đồng hành cũng có tâm trạng này. Nhưng trên hết chúng tôi đã biết trước chuyến đi sẽ khó khăn nên sự lo lắng cũng không át đi được sự háo hức.
Hôm đó là một ngày đẹp trời, nắng chói chang. Tuy vậy nhiệt độ vẫn rất thấp, -19C. Chung quanh toàn màu trắng, không một sinh vật ngoại trừ chúng tôi.
Chúng tôi nhanh chóng dựng lều trên tuyết để nghỉ, để ngày hôm sau thật sự bắt đầu hành trình trượt tuyết đến điểm đáy thế giới.
Nubo, Andreas và tôi ở trong một lều, John and Tanya một lều khác và David ở một mình trong một lều nhỏ.

Hành trình trượt tuyết
Sáng thức dậy vào lúc 6 giờ, chúng tôi bắt bếp để làm tan tuyết và đun sôi nước để ăn cereal (bỏng ngũ cốc).
Andreas, Nubo và tôi thay phiên nhau mỗi ngày “làm bếp”. Nói làm bếp thật ra chỉ việc bắt bếp, lấy tuyết cho vào nồi cho tan đến sôi thôi.
Chỉ có bữa ăn tối chúng tôi mới nấu ăn bằng cách cho nước sôi vào nồi thức ăn khô và đảo sơ qua để không bị khét.
Việc ăn uống trong chuyến đi kiểu này rất đơn giản. Thức ăn cho bữa sáng thường là cereal với sữa bột hoặc nếu không thích thì mì ăn liền.
Trong lúc trượt tuyết thì ăn snacks với các loại hạt và mứt như hạt điều, đậu phộng và nho khô, cộng với chocolate, bánh cookies, salami và power bars.
Bữa ăn chính là bữa tối gồm các món ăn đã sấy khô chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được, cộng với thịt đã chín đông lạnh.
Sau khi ăn sáng chúng tôi sắp xếp sled của mình và tháo lều xuống để đi.
Ngày đầu trượt tuyết, David quyết định trượt tuyết từ từ, và chỉ có 6 tiếng thôi vì chúng tôi phải làm quen với cao độ từ từ.
Trước khi đi Chile, tôi đã đi trượt tuyết ở Colorado, ở cao độ gần 2800m nên tôi không gặp mấy khó khăn với độ cao.
Nhưng ngày đầu, sled đầy và nặng, nên 6 tiếng kéo sled khá vất vả.
Hôm đó trời cũng gió nhiều nên chúng tôi phải che chắn tất cả, không để phần cơ thể nào tiếp xúc với cái lạnh.
Vừa kéo sled nặng, vừa phải biết điều chỉnh các lớp áo quần để không bị đổ mồ hôi hoặc bị quá lạnh, trong khi cơ thể làm việc rất nhiều mà oxy hít vào không đủ là một việc khó khăn nếu chưa quen. Cuối ngày hôm đó thì chúng tôi đã trượt tuyết được khoảng 10 km.
Ngày hôm sau, sau một “đêm” nghỉ ngơi (gọi là đêm chứ thật ra mặc trời chiếu sáng 24/24, chúng tôi phải dùng miếng che mắt để có thể ngủ được), chúng tôi lại “dọn nhà” – tức là lều mà chúng tôi dựng lên buổi tối – để lên đường đi tiếp.
Sau khi đi được 3 chặng, Tanya và John nói với David xin được nghỉ lại.
Chúng tôi lúc này không biết việc gì xảy ra và ai cũng ngỡ ngàng. Thì ra Tanya bị hội chứng độ cao (Acute Mountain Sickness) và cô cảm thấy rất yếu không thể đi được nữa.
Sau này tôi mới biết là đêm trước, cô đã không ngủ được vì khó thở và nhức đầu. Đấy là những triệu chứng ban đầu của hội chứng này.
Chúng tôi thế là dừng lại để có thể chăm sóc cô, hy vọng cô sẽ quen dần với độ cao ngày hôm sau.
Hai vợ chồng người Anh đêm đó quyết định sẽ không tiếp tục đi nữa vì Tanya càng yếu hơn. Họ đã liên lạc với Patriot Hills để họ cho máy bay đến chở về. Nhưng Patriot Hills đã thuyết phục đôi vợ chồng hãy thong thả, và hy vọng Tanya sẽ khỏe hơn ngày hôm sau.
Ngày kế tiếp, chúng tôi quyết định chia bớt đồ đạc trong sled của Tanya cho tất cả mọi người còn lại, chỉ chừa lại một số vật nhẹ trong sled của cô.
Sled của tôi đã nặng thêm khoảng 7kg. Trong khi mỗi kg đồ đạc khi kéo lâu dài là cả một vấn đề, thì nay chúng tôi ai cũng phải thêm cả 7-8 kg. Chắc bạn cũng đoán được, chúng tôi ai cũng mệt hơn ngày hôm trước rất nhiều.
Tuy sled của cô đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng Tanya vẫn còn triệu chứng của hội chứng độ cao, và bắt đầu có thêm những triệu chứng mới.
David quyết định sẽ lấy ngày hôm sau là ngày nghỉ cho cả đoàn để Tanya có hồi phục.
Đó là ngày trước Giáng Sinh.
Đêm đó, vì có một ngày nghỉ, chúng tôi nấu thức ăn nhiều hơn một tí và tôi đã đem ổ bánh fruit cake mà tự tay tôi nướng ở nhà và mời các bạn đồng hành sang lều của chúng tôi để có một buổi tối Giáng Sinh ấm cúng trong cái lạnh cắt da của châu Nam Cực.
Không những có bánh ăn Giáng Sinh, tôi còn đem theo quà nhỏ cho tất cả mọi người và cả “cây thông” Noel (do bé cháu tôi 3 tuổi vẽ và gửi cho tôi trước khi lên đường). Đây là một đêm trước Giáng Sinh thật đáng nhớ trong đời.
Ngày Giáng Sinh và ngày 26/12, tuy Tanya đã bình phục chút ít nhưng chúng tôi vẫn đi ít giờ để Tanya có thể theo kịp trong khi chờ máy bay đến đón Tanya và John.
Cuối cùng, đến ngày 27, máy bay mới có thể đến. Chúng tôi lúc này có những cảm xúc trái chiều, vừa buồn vì họ không thể tiếp tục đi đến Nam Cực nhưng cũng mừng cho họ vì nếu kéo dài thì sức khỏe của Tanya có thể gặp nguy hiểm. Đến ngày này, chúng tôi chỉ mới đi được nửa đường.

Bây giờ đoàn chỉ còn 4 người, chúng tăng tốc rất nhanh và đến ngày 29/12, chúng tôi đã có thể thấy trạm nghiên cứu Admundsen-Scott của Mỹ ở chân trời.
Ai nấy đều mừng rỡ vì cả tuần chỉ thấy tuyết và không gì khác.
Ngày 30/12 là ngày đặc biệt đối với tôi. Chúng tôi cuối cùng cũng đến được cái điểm mà tôi ước mình có dịp đặt chân tới, 90 độ nam. Cái điểm đó không có gì đặc biệt ngoại trừ tấm bảng “Geographic South Pole”, một cây cột đánh dấu điểm Nam Cực và lá cờ Mỹ, được dựng phía ngoài trạm nghiên cứu.
Nhưng cái điểm đó chính là đích đến của biết bao nhiêu các nhà thám hiểm ngày xưa và nay, có khi bỏ mạng sống chỉ để đến một lần trong đời.
Chỉ với trợ giúp của tiến bộ khoa học cùng với kiến thức về châu Nam Cực càng nhiều như ngày nay, những người như tôi mới có thể làm những chuyến đi mạo hiểm đến nơi đây, có phần nào an toàn hơn ngày xưa.

Suy nghĩ sau chuyến đi

Khi nghĩ lại về chuyến đi, tôi cho rằng mình quá may mắn có cơ hội đến những vùng đất mà rất ít người đã đến.
Ông Mike Sharp, một nhà thám hiểm châu Nam Cưc kỳ cựu, và là một trong những người chủ của công ty tổ chức chuyến đi, đã cho tôi biết 40 năm trong nghề, ông chưa bao giờ gặp hoặc nghe nói tới người gốc Việt đi tới Nam Cực bằng chính sức lực của mình, đi bộ hay trượt tuyết.
Nếu đúng, đây là niềm vinh dự to lớn cho tôi.
Nhưng sự vinh dự và những sự nguy hiểm và mạo hiểm này không nghĩa lý gì so với hàng triệu người thuyền nhân. Họ mới chính là những người thám hiểm thực thụ.
Khi lên đường, tôi biết mình sẽ đi hướng nào, chuẩn bị thức ăn, điện thoại vệ tinh, GPS, và có mua cả bảo hiểm cùng với một trợ giúp của một công ty chuyên tổ chức những chuyến mạo hiểm cả hơn 20 năm kinh nghiệm, và nhất là có sự hướng dẫn của một người dẫn đường nhà nghề.
Khi ra đi, những người thuyền nhân hoàn toàn không biết sẽ về đâu, lênh đênh trên biển hay vượt rừng, không biết tính mạng sẽ còn hay mất trong từng giây phút.
Họ không có liên lạc, không máy định vị, không đủ thức ăn nước uống và không có một sự trợ giúp nào.
Đa số đã đến được nơi họ muốn “khám phá” nhưng cũng rất nhiều đã bỏ mạng trong cuộc hành trình nguy hiểm của họ. Tôi vinh dự vì chúng ta đã có những người thám hiểm thực thụ như vậy.
Nhật ký của Khải Nguyễn - Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét