Dulichbui's Blog - 8h20 sáng ngày 25/12/2009, tôi ra xe đi Lào. Lái xe cũng là chủ xe và chủ khách sạn. Ông này trước đây là bộ đội. Hiện có doanh nghiệp tại Lào nên qua lại thường xuyên. Hôm đó chỉ có tôi là hành khách duy nhất. Chúng tôi đi trên chiếc Furtuna 7 chỗ của ông cùng với một nhân công qua đó làm việc. Ông biết tiếng Lào nên tôi cũng học lõm bõm được vài câu.
Cửa khẩu Bờ Y khá bụi. Rõ ràng đây không phải cửa khẩu du lịch. Có rất nhiều xe container chở gỗ qua lại Việt Nam và Lào. Không hiểu sao hải quan Việt Nam ở đây khá "chảnh", trong khi hải quan Lào lại rất dễ thương.
Tỷ giá đổi tiền ở biên giới là 4.32.
Qua phía Lào, đường tráng nhựa khá đẹp chạy quanh co theo dãy Trường Sơn Tây. Nghe chủ xe bảo con đường này do Việt Nam xây dựng cho Lào nhằm hướng dẫn cho dân Lào kỹ thuật xây đường lẫn vá đường và đến bây giờ thì dân Lào vá đường còn giỏi hơn của thầy (người Việt Nam).
Ảnh minh họa - Nguồn Flickr |
Khoảng 2h trưa, chúng tôi đến Attapeu - một tỉnh cực Nam của Lào. Chủ xe giới thiệu cho tôi nhà trọ mà theo ông là sạch sẽ và giá cả phải chăng. Đó là nhà trọ Aloonsotsai, giá phòng rẻ nhất là 50,000 kip. Chủ nhà
trọ là một bác sĩ người Lào đã từng học ở Hà Nội và ở tại Việt Nam 8 năm nên có thể nói tiếng Việt khá sõi.
Thị trấn này khá buồn, không có nightlife. Ở đây, tôi gặp một vài người đang làm việc cho chi nhánh của công ty Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Năm 2008, Attapeu đã chịu một trận lũ đầu tiên trong lịch sử. Có lẽ là hậu quả của nạn phá rừng chăng?
Tối hôm đó, tôi đi uống cà phê cùng với một anh tên Trung, một nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai, tại một quán cà phê do người Việt Nam làm chủ. Ở đây, tôi được giới thiệu uống sữa đâu nành Thái Lan khá ngon nhưng hơi ngọt, giá 5,000 kip/hộp.
Pakse
Sáng hôm sau tôi ra bến xe mua vé để đi Pakse, giá vé 40,000 kip. Khoảng cách từ Attapeu đến Pakse là 225 km. Xe chạy khá chậm và dừng lại đón khách ở 2 bến Sekong và Paksan. Ở Nam Lào, có khá nhiều đất bỏ hoang, và cuộc sống còn đậm chất nông nghiệp.
Xe khởi hành lúc 7h45 sáng và đến nơi vào lúc 1h trưa, hơn 5 tiếng cho đoạn đường 225 km.
Tại Pakse, tôi ở tại Sabbaidii 2 (Sabbadii trong tiếng Lào nghĩa là Hello), giá 40,000 kip/phòng. Tôi ăn tối ở nhà hàng Xuân Mai. Ở đây người Việt Nam sang mở doanh nghiệp khá nhiều. Chủ nhà hàng là người Lào gốc Việt có thể nói được tiếng Lào, Việt Nam, Anh và Pháp.
Ở tại nhà nghỉ Sabbaidii 2, tôi quen với một cặp vợ chồng người Pháp. Người vợ là nông dân, chuyên chăm sóc trang trại cho người khác khi họ đi vắng. Người chồng làm thợ xây, chuyên phục hồi nhà cổ. Người vợ nói tiếng Anh bập bõm với tôi, còn người chồng hoàn toàn không biết tiếng Anh. Khi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, kiến thức tiếng Pháp của tôi dần dần được khôi phục. Họ thấy rất vui khi ở Lào và dự kiến ở luôn 3 tháng. Qua họ, tôi biết rằng bởi vì Đông dương trước đây thuộc Pháp nên khi người Pháp đến đây họ có cảm giác như về nhà.
Tôi ở Pakse 2 đêm thì đón xe đi Savannakhet, giá vé 35,000 kip, xe chạy lúc 10h30 sáng đến khoảng 3h chiều thì đến, khoảng cách là 200 km. Xe tuk tuk từ nhà nghỉ Sabbaidii 2 đến Northern Bus Terminal là 15,000 kip, khoảng 5-6 cây.
Ảnh minh họa - Nguồn Flickr |
Tại Savannakhet, tôi ở trong nhà nghỉ Sayamungkhun, phòng có giá 40,000 kip khá rộng và nhà tắm thì khá sạch sẽ. Tòa nhà có kiến trúc Pháp dù hơi cũ kỹ. Những nhà nghỉ xung quanh có giá mắc hơn, một phòng giá khoảng 50,000 -80,000 kip. Ở đây có một công ty Việt Nam chuyên có xe đi tuyến Việt-Lào. Tôi đổi tiền ở đây được tỷ giá cao hơn 4.35. Nhiều ngân hàng ở Lào, ngoại trừ ngân hàng Việt-Lào, không đổi tiền Việt.
Ở đây có khá nhiều người Việt. Chủ yếu họ là những người có ba mẹ Việt Nam và được sinh ra ở Lào nên nói được cả tiếng Việt và tiếng Lào. Dọc theo trục đường chính có khá nhiều nhà hàng do người Việt làm chủ. Tôi ăn cơm vịt cho buổi cơm chiều, cũng khá ngon và sạch sẽ.
Hôm sau, tôi thuê xe đạp (10,000 kip/ngày) đi tham quan Savannakhet. Buổi chiều trên con đường dọc theo sông Mê Kong có nhiều quán lẩu, người ăn ngồi theo kiểu Nhật, trông rất đẹp và khá hay nhưng tôi chưa ăn thử bởi vì sợ một mình ăn không hết một cái lẩu (đi bụi một mình bất tiện như thế ấy.) Người dân ở đây xuống sông bắt cá lên bán cho các hàng quán. Ở đây cũng có món cá nướng ăn với cơm và rau sống. Có vài bạn trẻ Việt Nam qua đây làm nail, đến mời tôi nhưng tôi từ chối. Họ đứng nhìn tôi ăn cá chép nướng và nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt (dĩ nhiên họ không nghĩ tôi là người Việt rồi): "Trông 'nó' ăn ngon lành chưa kìa."
Ở đây một con cá chép nướng cho một người ăn giá 18,000 kip + 5,000 kip tiền cơm. Ăn cũng được nhưng so với giá cả ở Việt Nam thì mắc hơn. Chắc do tôi là khách du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét