Mỗi khi người sử dụng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, quỹ bảo hiểm, thẻ tín dụng, mua hàng trực tuyến... tất cả những hệ thống trên đều có điểm chung là gì? Đó là yêu cầu người dùng khai báo địa chỉ email.
Trên thực tế, rất nhiều người chỉ sử dụng 1 địa chỉ email duy nhất đối với tất cả các tài khoản như trên. Do vậy sẽ rất nguy hiểm nếu họ để mất tài khoản hoặc tin tặc đột nhập và lấy cắp thành công những dữ liệu cá nhân. Phổ biến trên thị trường hiện nay vẫn là sự thống trị của 3 “ông lớn” trong lĩnh vực cung cấp địa chỉ email miễn phí, đó là: Gmail, Yahoo, và Hotmail (hoặc Live Mail), nhưng đồng thời, đây cũng là “miếng mồi” béo bở của hacker ngày nay.
Dựa vào số lượng báo cáo về tình hình bảo mật trong năm 2009, đã có tới hơn 11 triệu người sử dụng email trở thành nạn nhân của tin tặc khi để mất tài khoản trực tuyến, thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế, và điều đáng lo ngại rằng con số đó vẫn tiếp tục “tăng trưởng” đều đặn khoảng 10% mỗi năm. Theo tính toán sơ bộ, toàn thế giới đã mất đi khoảng 54 triệu USD mà hoàn toàn vô ích. Cũng theo khảo sát của Javelin Strategy & Researchthì 13% trong số nạn nhân trên (khoảng 1,430,000) bị tin tặc “nhòm ngó” qua những người thân của họ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại 1 nghịch lý rằng: số lượng tài khoản trực tuyến nhằm phục vụ cho mục đích gian lận đã tăng gấp đôi so với năm trước, đồng thời số lượng địa chỉ email đăng ký mới cũng tăng thêm 12%. Do vậy chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, vấn nạn của tội phạm trực tuyến đã và đang tăng nhanh theo từng ngày, dần trở thành mối lo ngại đáng quan tâm bậc nhất trong thế giới công nghệ cao ngày nay. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày một số thao tác cơ bản để người dùng có thể tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm luôn luôn “rình rập” bên ngoài.
1. Sử dụng mật khẩu đủ an toàn:
Đây là yếu tố đầu tiên quyết định đến sự an toàn của tài khoản đối với mỗi người dùng. Và cũng thật bất ngờ khi rất rất nhiều người đã, đang và vẫn sử dụng chuỗi 123456 là mật khẩu của họ, tiếp theo sau là password.
Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chính những số liệu thực tế như trên đã chỉ ra rằng, mọi người vẫn “làm ngơ” và không coi trọng mức độ an toàn của tài khoản họ đang sử dụng.
2. Luôn luôn kiểm tra đường dẫn URL:
Bên cạnh đó, nạn lừa đảo qua hình thức Fishing – là khi tin tặc khéo léo “dụ dỗ” người dùng vào những trang quen thuộc và yêu cầu họ cung cấp địa chỉ email, mật khẩu cũng như các thông tin cá nhân khác. Quy luật ở đây là không nên truy cập vào những đường dẫn lạ được gửi tới hòm thư email của bạn, luôn kiểm tra đường dẫn URL thực sự trên thanh Address để chắc chắn rằng đó là domain chính thức của Gmail:
3. Thường xuyên kiểm tra Gmail để phát hiện những địa chỉ hoặc hành động bất thường:
Khoảng hơn 1 năm trước, Google đã cung cấp thêm tính năng cảnh báo về những hành động khác lạ trong tài khoản đến người dùng. Do vậy, các bạn có thể kiểm tra các thao tác xảy ra gần đây nhất, chức năng này sẽ hiển thị đầy đủ tác vụ trong 10 lần đăng nhập mới nhất. Và dựa vào vị trí địa lý, địa chỉ IP cũng như thời gian truy cập, người sử dùng sẽ biết được chuyện gì đang xảy ra.
4. Kích hoạt tính năng bảo mật nâng cao của Gmail:
Với chức năng này, tài khoản của người dùng Gmail sẽ được bảo vệ chắc chắn hơn rất nhiều bằng cách xác thực thêm 1 lần nữa sau khi nhập mật khẩu. Điểm đặc biệt ở đây là chuỗi ký tự xác thực được thay đổi ngẫu nhiên theo thời gian (được gửi về thiết bị di động qua số điện thoại đăng ký), do vậy bạn có thể yên tâm tuyệt đối một khi đã kích hoạt chức năng này.
5. Sử dụng mật khẩu riêng biệt trên từng thiết bị dùng để truy cập:
Bên cạnh phương án trên, các bạn có thể áp dụng theo cách khác, phụ thuộc vào cách thức và thiết bị sử dụng để truy cập Gmail, ví dụ như trên trình duyệt, điện thoại di động, máy tính để bản hoặc laptop... bằng việc thiết lập qua Authorizing:
Sau khi áp dụng tính năng này, sẽ không ai có thể biết được mật khẩu thật sự của người dùng, vì trong mỗi “môi trường” khác nhau bạn lại sử dụng 1 mật khẩu riêng biệt tương ứng.
6. Giám sát các địa chỉ người nhận hoặc gửi đáng ngờ:
Trong bài viết gần đây nhất trên Google Blog, đã phát hiện được hàng trăm địa chỉ email của các quan chức cao cấp từ Trung Quốc, Hàn Quốc và chủ yếu là Mỹ đã bị xâm nhập và bí mật chuyển tiếp nội dung ra bên ngoài. Do vậy, các bạn hãy thiết lập lại chế độ kiểm tra tài khoản có tự động chuyển tiếp nội dung trong mục Forwarding and POP/IMAP của Gmail Settings:
7. Luôn đảm bảo mức độ an toàn của máy tính cá nhân:
Nếu đã thực hiện đầy đủ những bước trên thì vẫn chưa đủ, vì tài khoản của bạn vẫn có thể bị “nhòm ngó” nếu máy tính sử dụng không được trang bị những phương án bảo mật thực sự cần thiết. Cụ thể, đó là những thao tác đơn giản nhất trong quá trình sử dụng, quản lý file và thư mục cá nhân, sử dụng những chương trình diệt virus có uy tín và hiệu quả như: Avira Premium Security Suite, BitDefender Total Security 2010, PC Tools Spyware Doctor with Antivirus 2010, Kaspersky Internet Security 2011...
Chúc các bạn thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét