Hầu hết những chuyên gia sửa chữa và kinh doanh điện thoại cũ khi được hỏi cách nhận biết một con "dế" cũ còn xịn, đều ngán ngẩm lắc đầu: khó, chỉ có cách...bung máy.
Một thợ sửa di động nhận xét: “Trình độ thợ sửa chữa hiện nay, nếu đã muốn ‘luộc gà’ thì khó có thể nhận biết được máy đã bung hoặc qua sửa chữa hay chưa. Trừ khi người mua là những thợ kỹ thuật lành nghề”. Vậy nên, nếu bạn là “tay mơ” và đã quyết định chọn mua một chiếc điện thoại cũ, tốt nhất nên chọn những chiếc điện thoại chưa bị bung máy cho dù lý do người bán đưa ra là gì chăng nữa. Hoặc tối thiểu cũng nên thử kiểm tra 7 vấn đề sau đây:
Kiểm tra IMEI
Đây là cách kiểm tra được xếp vào loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” mỗi khi bạn cần kiểm tra một chiếc điện thoại dù mới hay cũ. Để thực hiện cách này, bạn nhấn phím *#06# để màn hình xuất hiện số IMEI của máy. Tiếp đó đem số IMEI này so sánh với số IMEI phía sau thân máy xem có trùng khớp không.
Trong trường hợp máy vẫn còn nguyên hộp và thẻ bảo hành, bạn nên đối chiếu với số IMEI in trên hộp và thẻ bảo hành để chắc chắn không gặp tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cách này xem chừng đơn giản nhưng rất nhiều người khi mua thường chỉ kiểm tra số IMEI trên máy mà quên kiểm tra trên hộp và thẻ bảo hành. Một lưu ý cần nhấn mạnh rằng, gần như hầu hết các loại máy “xách tay” được bán trên thị trường đều không trùng khớp thông tin giữa máy và hộp. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là IMEI sau lưng máy và IMEI hiện trên màn hình phải khớp nhau, với các máy chính hãng thì IMEI cũng phải trùng với IMEI in trên thẻ/giấy bảo hành và hộp.
Kiểm tra vỏ và bàn phím
Khi mua máy cũ, nên tránh mua những chiếc máy đã bị thay vỏ và bàn phím “lô” bởi chất lượng của những phụ kiện này hiện khá tệ, dễ gây tình trạng vỏ bị ọp ẹp hoặc kẹt phím. Để xác định máy đã bị thay vỏ hay chưa, bạn cho điện thoại vào một chỗ tối rồi bật đèn màn hình. Nếu ánh sáng từ đèn màn hình và bàn phím thoát nhẹ qua lớp vỏ của máy thì đó là loại vỏ “lô” có chất lượng kém.
Tiếp theo, nhấn thử các phím nhiều lần xem có gặp tình trạng kẹt phím hoặc khó nhấn hay không, đây là bước khá quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự thoải mái khi sử dụng về sau này.
Để màn hình màu trắng để biết điểm chết, điểm bầm. Che tay lại để xem ánh sáng nền phát ra đều không. Ảnh: H.Đ.
Kiểm tra màn hình
Đối với màn hình điện thoại, cách dễ nhất để kiểm tra chất lượng là truy cập và menu cấu hình để chỉnh độ sáng tối của màn hình điện thoại. Một màn hình còn tốt sẽ không gặp tình trạng tối đen khi giảm mức sáng tối đa, hoặc sáng trắng khi bạn tăng mức sáng.
Một tình trạng bị khá phổ biến là màn hình xuất hiện các đốm sáng khi để màn hình trên nền trắng. Theo một số thợ sửa chữa, những chiếc điện thoại bị tình trạng này đa phần đều đã bị vô nước hoặc bị cấn với một lực khá mạnh.
Đặc biệt, lớp bụi bám trên màn hình cũng tiết lộ cho bạn một vài thông tin khá thú vị. Thông thường, những chiếc máy chưa từng bị tháo vỏ mặt trước của máy sẽ hiếm khi gặp tình trạng bụi có thể bám bên trong màn hình. Sở dĩ có điều này là khi sản xuất, đa phần những chiếc điện thoại đều được quét một lớp keo mỏng trong suốt khắp các viền tiếp xúc của vỏ để hạn chế bụi có thể bay vào thiết bị. Một khi đã bị tháo lớp vỏ trước, lớp keo mỏng này bị mất đi khiến màn hình của máy dễ dàng bị bụi bám hơn.
Kiểm tra pin
Các cửa hàng hiện nay khi bán điện thoại cũ thường “luộc” mất pin “zin” của máy rồi thay vào đó một cục pin “lô” có chất lượng kém. Với các loại pin của Nokia, việc nhận biết pin “zin” sẽ dễ dàng hơn bằng cách nhìn vào biểu tượng ba chiều trên tem dưới nhiều góc độ.
Đối với loại pin khác, cách dễ nhất là nhìn vào các tiếp xúc đồng phía trên đầu của pin. Nếu bề mặt các tiếp xúc này có độ sáng hơi mờ chứ không sáng bóng thì đó là pin “zin”.
Sau khi đã kiểm tra đựơc chất lượng của pin, bạn tiếp tục đặt cục pin lên một mặt phẳng xem pin có bị cong hoặc phù hay không. Những cục pin bị phù có thể do nhiều lý do, nhưng phổ biến nhất vẫn là do đã qua sử dụng quá lâu hoặc bị tiếp xúc với nước.
Kiểm tra sóng và chất lượng cuộc gọi
Khi kiểm tra, bạn nên sử dụng tối thiểu khoảng ba loại SIM thuộc các mạng khác nhau như: MobiFone, VinaPhone, Viettel,… để chắc rằng máy có thể sử dụng tốt ở các mạng này. Khá nhiều trường hợp người sử dụng mua lầm nhưng không hề hay biết rằng máy gặp tình trạng chỉ có thể nghe gọi tốt đối với một mạng cụ thể.
Khi tiến hành thử cuộc gọi, bạn nên thay đổi mức âm thanh từ lớn đến bé để chắc rằng loa không bị rè hoặc mất tiếng. Tuyệt đối không nên kiểm tra bằng cách gọi đến tổng đài 900 để nghe mà nên gọi cho một ai đó nhờ kiểm tra chất lượng. Khi gọi, bạn nhìn vào cột sóng để chắc rằng sóng không bị giảm đột ngột dù chỉ một vài giây. Nếu có thể, bạn nên thử nói chuyện trong khoảng một vài phút để chắc rằng máy không bị sụt nguồn hay tắt hẳn đột ngột.
Nên gọi cho ai đó để kiểm tra loa thoại và độ ổn định của pin, sóng. Không nên gọi đến tổng đài trả lời tự động. Ảnh: H.Đ.
Kiểm tra chức năng
Khi mua máy cũ, cần để ý các chức năng có sẵn của điện thoại cho dù có thể bạn sẽ chẳng sử dụng đến nó bao giờ. Những hư hỏng thường gặp nhất là: không thể kết nối Bluetooth, camera sai màu hoặc không thể chụp, mất chức năng GPS, không thể kết nối với máy tính,… Những chức năng này có thể đôi khi không cần thiết đối với vài người nhưng nó cũng thông báo cho bạn phần nào tình trạng của chiếc điện thoại bạn định mua.
Mặt khác, nhiều người thường quên kiểm tra các kết nối cơ bản của máy như ngõ cắm sạc, tai nghe, cáp kết nối,… Đã có khá nhiều trường hợp máy mua vể rồi mới biết thiết bị không thể sạc hay sử dụng tai nghe được.
Kiểm tra chân đồng tiếp xúc pin: đa số pin “xịn” thì màu đồng này hơi mờ chứ không sáng bóng. Ảnh: H.Đ.
Kiểm tra tem và ốc
Để chắc chắn là máy chưa bung, cách duy nhất có thể nhận ra được hiện nay là nhìn vào những con ốc trên thân máy. Những máy đã bị bung nhiều lần sẽ thường để lại dấu hoặc trầy xước do tiếp xúc nhiều với tuốc-nơ-vít. Tuy nhiên, cũng rất khó để có thể nhận ra trường hợp này nếu người bán cố tình tìm cách qua mặt bằng cách dùng bút lông bôi đen đầu ốc hoặc thay ốc mới.
Tiếp đó, bạn nên kiểm tra các loại tem dán trên thân máy xem có bị dán đè tem khác lên hay không. Đồng thời cần lưu ý rằng các nhà phân phối thường chỉ dán một chiếc tem nhỏ lên ốc hoặc thân máy. Vì thế cần thận trọng với những chiếc điện thoại được dán tem kín bốn góc, bởi cách này thường được sử dụng để tránh trường hợp người mua có thể kiểm tra ốc vít.
Đối với những bạn dự định mua các dòng máy BlackBerry, cách tốt nhất và an toàn nhất là đề nghị người bán bung máy ngay trước mặt để chắc rằng máy có mainboard chưa qua sửa chữa hoặc không bị khoan lỗ. Do loại điện thoại này được bán ở Việt Nam với chất lượng khá lộn xộn nên bạn cần chọn một cửa hàng có uy tín. Mặt khác, đừng quá quan trọng chuyện máy có bung hay chưa, mà nên lưu ý đến chất lượng của mainboard bên trong thì hơn.
Đây là những tư vấn cơ bản có thể giúp bạn chọn được một chiếc điện thoại cũ ưng ý. Tuy nhiên, thị trường điện thoại cũ hiện nay thường được ví theo kiểu “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì… quá nhiều”, vì thế bạn nên cân nhắc kỹ trước khi giao dịch với một cửa hàng hoặc một người lạ. Cách tốt nhất chúng tôi vẫn khuyên bạn là nên nhờ một người am hiểu kỹ thuật chọn giúp để tránh mua lầm hàng dỏm.
Theo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét