Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Suy ngẫm về mâm ngũ quả ở hai miền Nam - Bắc

Dulichbui's Blog - Ngày xuân đến nhà nào ở nước ta mà không có mâm ngũ quả để thờ cúng ông bà, tổ tiên... Nhưng ở hai miền Nam Bắc phong tục tập quán khác nhau nên việc thờ cúng mâm ngũ quả cũng có nhiều điểm khác biệt.

Trước hết chúng ta hãy xem việc bày thờ mâm ngũ quả ở miền Bắc
Theo thông lệ bình thường đã gọi là “Mâm ngũ quả” thì phải bày lên “Mâm”. Mâm ngày xưa của một số gia đình giàu có hoặc có gia đình nghèo nhưng vẫn sắm cho được chiếc mâm có sơn son thếp vàng. Xung quanh mâm có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” hoặc “Long, Ly, Quy, Phượng”.Chiếc mâm ấy trên miệng mâm thì to, dưới có chân nhỏ thắt cổ bồng, nên gọi là mâm bồng để bày mâm ngũ quả.
Có nơi như: Thạch Đà, Thanh Lâm, Bồng Mạc, Xa Mạc, Bạch Trữ, Tiền Châu ít gia đình bày bằng mâm mà lại bày bằng đĩa cô tiên rất to, xung quanh viền vàng, vẽ cũng hình Long, Ly, Quy, Phượng, có cô Tiên ở giữa đĩa cầm quạt vàng xoè ra rất đẹp. Đấy là mới nói đến chuyện bày biện mâm hoặc đĩa đã khác nhau rồi.
Nhưng có một điều rất giống nhau là không được bày thứ gì lên mâm hoặc đĩa ấy. Mâm và đĩa chỉ dùng bày hoa quả trong tết Nguyên Đán. Xong tết rửa sạch, cất hẳn hoi chờ mùa xuân mới!Đã gọi là mâm ngũ quả thì phải có 5 loại quả được xếp thành hình tháp, được đặt ở một chỗ trang trọng nhất trong bàn thờ. Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng.Nải chuối hay quả phật thủ như bàn tay che chở của ông bà đối với con cháu, để con cháu ăn nên làm ra, của cải sung túc, đề huề.
Quả bưởi và dưa hấu căng tròn mát lành hứa hẹn một năm mới đầy ngọt ngào, may mắn, quả hồng đỏ thắm quả quýt vàng rực, màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.Quả cam tròn da đỏ au, quả trứng gà có hình trái đào tiên, quả cà chua đỏ tươi, qủa khế mọng nước còn vương những lá xanh. Có nơi còn thờ quả hồng xiêm, quả ớt đỏ, có nhà rất cẩn thận lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn mua cho được quả phật thủ xứ lạnh đem về thờ. Quả phật thủ giống như bàn tay phật vì bao giờ nó cũng có một ngón tay giơ ra đấy là ngón tay để chỉ lối cho mùa xuân về, còn các ngón tay khác nắm lại như nắm giữ hương xuân cho mãi mãi xuân này qua, xuân khác lại đến.
Quả phật thủ thơm suốt mùa xuân, thơm trong nhà để làm ăn cho phúc lộc, thơm mãi hết mùa xuân này sang mùa xuân khác! Đấy là mâm ngũ quả ở miền Bắc. Còn ở miền Nam thì làm sao?Thường thì mâm ngũ quả ở miền Nam to hơn ở miền Bắc. ở miền Bắc có 3 loại quả: Chuối, bưởi, quýt là chính, còn các quả khác ở miền Nam thì: Mãng Cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, dưa hấu. Bởi theo quan niệm của người miền Nam là thờ: Dưa hấu - dừa mãng cầu, đu đủ, xoài vì: Mãng cầu là mình cầu mong cho đủ xài đó là mong ước phổ biến nhất trong năm mới.


Một số nhà lại thêm trong mâm ngũ quả một số chùm sung ý nghĩa là cuộc sống sung túc, đầy đủ. Đặc biệt quả dưa hấu là nhà nào cũng thờ vì miền Nam là xứ nóng có năm tết đến vẫn 300C.Tuy mỗi miền có thờ cúng các loại quả khác nhau, bày biện trên mâm hoặc đĩa chăng nữa. Cái gặp nhau vẫn là hương hoa của đất đó là hồn hoa quả.
Tết đến có trăm thứ để ăn, có nhiều thứ để thờ nhưng thiếu mâm ngũ quả thì thật là trống vắng và tẻ nhạt. Ngày nay cuộc sống có nhiều thay đổi, gia đình nhiều nhà đã giầu lên có nhiều loại hoa quả như nho Mỹ, xoài Thái Lan, táo Trung Quốc với nhiều hình thù đẹp, lạ. Có nơi bày mâm ngũ quả lên đến 10 thứ. Nếu nói như vậy thì ngủ quả chỉ là việc quy định mà thôi. Có những gia đình như tết đến chỉ xin được nải chuối, quả bưởi về thờ gọi là mâm quả. Tuy đơn sơ nhưng có làm sao đâu. Cái tâm của mình chứa đựng vào mâm ngũ quả mới là quan trọng chứ không phải nhiều quả, đắt tiền mới là quý báu. Tấm lòng cháu con hiền thảo nghĩ tới tổ tiên mà ăn ở có trước có sau, có làng, có xóm, có anh, có em, có bạn, có bè đấy mới là điều quý nhất để dâng kính lên tổ tiên, ông bà mình mỗi mùa xuân đến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét