Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Thông tin về chương trình Festival Huế 2010

Dulichbui's Blog - FESTIVAL HUẾ 2010: ''Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển'' - Nơi gặp gỡ các thành phố Cố đô - Điểm hẹn các di sản văn hoá thế giới

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999, Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế tiếp tục được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.


Qua các kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định. Năm 2000, Festival Huế có trên 30 đơn vị nghệ thuật Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế. Năm 2002 có 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ 8 quốc gia và các đoàn trong nước, gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế. Năm 2004 có 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ 7 quốc gia; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ, Festival đã thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Năm 2006 quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ 10 quốc gia, thu hút 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.557 lượt khách quốc tế. Năm 2008 với sự góp mặt hơn 1500 nghệ sĩ của 37 đơn vị nghệ thuật trong nước và 457 nghệ sĩ của 31 đoàn nghệ thuật quốc tế đã mang đến cho công chúng 133 suất diễn, gần 90 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn, sẽ khai mạc vào thứ 7 ngày 5-6-2010 và bế mạc chủ nhật 13-6-2010. Điểm mới là Festival Huế 2010 sẽ có mặt đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới. Đã có 31 quốc gia đăng ký tham gia với tổng số hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật, bao gồm: Pháp - đối tác chính, Achentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Cu Ba, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Nauy, Nga, Nhật Bản, Ôx-tra-li-a, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Trung Quốc, Ucraina, Xcôt-len, Xê-nê-gan. Đến nay đã khẳng định cụ thể 31 chương trình từ 21 quốc gia với nhiều thể loại phong phú và hấp dẫn gồm: Ca Múa Nhạc, Xiếc, Sân Khấu, Nghệ thuật đường phố, Nghệ thuật sắp đặt, Rối, Điện ảnh, Triển lãm.... Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có những chương trình biểu diễn tại các sân khấu ngoài phạm vi thành phố. Các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ bao gồm sự có mặt của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn Ca Múa An Giang, Đắc Lắc, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà Hát Ca Kịch Huế, Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế, các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Huế - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nhóm các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các thành phố có vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo, và các lực lượng nghệ thuật chuyên và không chuyên của Thừa Thiên Huế.

Festival Huế 2010 tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây, đặc biệt sẽ mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn thị tứ, các khu đô thị mới của TT Huế và khai thác thêm không gian của các công trình văn hóa, thể thao mới được hình thành và đưa vào sử dụng.

Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với khoảng 05 sân khấu ngoài trời và một số các địa điểm trong nhà. Khu vực này quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; mở rộng không gian diễn xướng chính thức ở các khu vực: Hồ Tịnh Tâm, Cung An Định, quảng trường Ngọ môn, Khu vực bờ nam sông Hương, các khu vực ngoại thành.

Một số vị trí phù hợp ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... sẽ được bố trí một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn. Hình thành các địa điểm vệ tinh của Festival Huế 2010 bao gồm: Công viên Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Thương Bạc, Công viên 3-2, đường Nguyễn Đình Chiểu, Khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, Cầu ngói Thanh Toàn, Làng cổ Phước Tích, Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, Khu văn hoá Huyền Trân...

Nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra liên tục trong 09 ngày đêm:

Chương trình lễ hội khai mạc, Lễ bế mạc, Lễ hội Áo dài, chương trình “Đêm Phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng Vọng Sông Ngân”.

Đối với các lễ hội cung đình đã được phục dựng trong các kỳ Festival trước sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng nghệ thuật: Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Huyền thoại Sông Hương. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, sẽ có các lễ hội mới:

- Sân khấu hóa “Hành trình mở cõi”,

- Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời Nguyễn”

Bên cạnh đó, còn các chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, có chủ đề, chủ điểm tập trung theo định hướng của Ban tổ chức Festival Huế 2010, nhằm tạo không khí sôi động, làm vệ tinh cho các hoạt động của Festival Huế 2010: Chương trình Festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa Hạ”, Festival Thơ Huế... Các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng. Các cuộc triển lãm: Triển lãm mỹ thuật các tác giả nữ, Triển lãm Mỹ thuật thời Lý của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh của Hội VHNT Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa: “Từ Cố đô đến Cố đô”, Triển lãm tranh sơn mài “Tự sự Cố đô”, Trưng bày Sắc phong và sách cổ. Các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc mỹ thuật đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt quảng diễn mỹ thuật “Từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế” với bức tranh trên lòng cầu Trường Tiền của hàng trăm Họa sĩ và SV Mỹ thuật Huế, và chương trình Nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh” với sự tham gia của các nghệ sĩ ba miền …

Logo Festival Huế 2010 được thiết kế là sự tiếp nối của logo Festival Huế 2000, 2002, 2004, 2006, 2008 và đã trở thành một biểu tượng chung duy nhất cho các kỳ Festival Huế sau này.
Mẫu logo gồm 2 phần:
Phần chữ Festival Huế và năm tổ chức là tác phẩm được tuyển chọn của họa sĩ Pháp De L’Estraint vào năm 1999, khi chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2000.
Ý tưởng cơ bản của biểu tượng là sử dụng màu cờ nền đỏ sao vàng của quốc kỳ Việt Nam làm nền, đi liền với màu cờ là hình Ngọ Môn ở Ðại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000 được bố trí theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp và tiếng Việt.
Dưới nền logo chính của De L’Estraint, ban tổ chức Festival Huế đưa thêm hình ảnh của linh vật Long Mã.
Long Mã - ngựa hóa rồng - là linh vật đặc trưng thường được trang trí trên một số kiến trúc Huế. Biểu tượng Long Mã được cách điệu từ hình tượng Long Mã tại bình phong trường Quốc Học, di tích lưu niệm thời Bác Hồ theo học tại trường Quốc Học Huế.

Các cuộc hội thảo khoa học, Festival “Khoa học với đời sống cộng đồng” do trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Đại sứ quán Italia và trường Đại Học Sassari tổ chức lần đầu tiên như một festival khoa học trong lòng Festival Huế. Các hoạt động thể dục thể thao, Giải quần vợt đồng đội toàn quốc, lễ hội Diều, Hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, Đua trải, chương trình “Đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực phục vụ du khách, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” sẽ là những hoạt động thu hút khách du lịch và công chúng tham dự trong 9 ngày diễn ra Festival.

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai.

Trước khi Festival diễn ra chính thức, ngay từ đầu năm 2010, cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội chào mừng các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc, nhiều lễ hội tiền Festival được tổ chức: Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung và khánh thành khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung (09/01/2010), Lễ hội Đền Huyền Trân (9-1 âm lịch tức 22/02/2010), Lễ Tế Xã Tắc (tháng 2 âm lịch), Lễ hội Nắng gió Tam Giang ở vùng đầm phá Tam Giang Quảng Điền ( 30/4-1/5/2010), đặc biệt Lễ Phật Đản (rằm tháng tư âm lịch, tức 28/5/2010) diễn ra trước Festival hơn 1 tuần lễ sẽ được kết nối làm cho không khí lễ hội sẽ được liên tục và đa dạng màu sắc.

Festival Huế 2010 hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Các lễ hội chính
1. Lễ Khai mạc diễn ra vào tối 05/6/2010.
2. Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn” diễn ra vào tối 07/6/2010.
3. Lễ hội Áo dài diễn ra vào tối 8/6/2010.
4. Lễ tế Giao diễn ra vào tối 9/6/2010.
5. Lễ hội sân khấu hoá “Hành trình mở cõi” diễn ra vào tối 10/6/2010.
6. Chương trình “Huyền thoại Sông Hương” diễn ra vào tối 6/6 & 12/6/2010
7. Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra vào các buổi tối 6, 7, 9, 10, 11 và 12/6/2010
8. Chương trình “Vẻ đẹp Việt II” diễn ra vào các tối 6, 9 và 11/6/2010.
9. Chương trình “Đêm Hoàng cung” diễn ra vào tối 05/6 (không có dạ nhạc tiệc) và các tối 08/6, 11/6 (có dạ nhạc tiệc).
10. Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào tối 13/6/2010.

Thông tin về Festival Huế 2010 luôn được cập nhật tại http://www.huefestival.com
Theo Ban Tổ Chức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét