Ngày 5/10, Apple cho biết cựu Giám đốc điều hành của họ đã qua đời chỉ sau 2 tháng rời khỏi công ty này.
>>> Khám phá cuộc đời của Steve Jobs
>>> Khám phá cuộc đời của Steve Jobs
Trên website của Apple là dòng tin ngắn: "Apple vừa mất đi một thiên tài sáng tạo và có tầm nhìn lớn, còn thế giới cũng mất đi một nhân vật kiệt xuất. Những người có may mắn biết và làm việc với Jobs đã mất đi một người bạn thân, một động lực đối với họ. Jobs ra đi, để lại một công ty mà chỉ ông mới có thể xây dựng. Tinh thần và triết lý của ông sẽ mãi gắn bó với Apple".
Tim Cook, CEO Apple cũng gửi e-mail trước đó cho các nhân viên: "Các bạn, tôi rất tiếc phải thông báo một tin rất buồn. Steve của chúng ta đã qua đời sáng nay (5/10 theo giờ Mỹ). Chúng ta sẽ sớm tổ chức lễ tưởng niệm về cuộc đời khó tin của ông. Không lời nào có thể diễn tả đủ nỗi buồn về sự mất mát này cũng như sự biết ơn của chúng ta vì đã có cơ hội làm việc cùng ông. Hãy bày tỏ lòng thành kính bằng cách tiếp tục làm công việc mà ông ấy luôn đam mê".
Steve Jobs. Ảnh: Apple.
Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco (Mỹ). Abdulfattah Jandali và Joanne Simpson sinh ông khi vẫn đang là sinh viên và họ buộc phải đem con cho ông bà Paul và Clara Jobs nuôi vì cha mẹ của Joanne không muốn con gái họ cưới một người Syria.
Steve Jobs từ lâu đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng vẫn luôn xuất hiện trong các lễ ra mắt sản phẩm quan trọng của Apple với trang phục quần jean áo cổ lọ. Ông trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tụy đầu tiên năm 2004, được ghép gan năm 2009 và đã ba lần vắng bóng tại Apple để đi điều trị trước khi chính thức từ chức CEO vào tháng 8. "Tôi luôn nói rằng nếu có một ngày tôi không thể đáp ứng được nhiệm vụ và mong đợi của Apple, tôi sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết. Rất tiếc, ngày đó đã đến", Steve Jobs viết trong lá thư gửi nhân viên. Jobs quá gắn bó với Apple và phải đến khi không còn đủ sức lực để tiếp tục điều hành, ông mới trao lại vận mệnh công ty này vào tay Timothy D. Cook. Tân CEO Apple đã có dịp ra mắt trước công chúng vào ngày 4/10 khi Apple trình làng iPhone 4S với phong thái tự tin dù chưa thể tạo ra sức hút thực sự như Jobs.
Tám năm sau khi thành lập Apple (1976), Jobs đã cùng công ty này cho ra đời máy tính Macintosh - một cuộc cách mạng về máy tính cá nhân khi đó. Ông từng phải rời khỏi Apple khi không được lựa chọn đảm nhiệm chức vụ CEO và 12 năm sau đó (1997), hãng này đã mua lại NeXT (công ty mới của Jobs) như một cách để đón ông trở về. Kể từ đó, Apple thực sự hồi sinh với iPod, iPhone và iPad. Chúng không đơn thuần là những sản phẩm đẹp và ăn khách mà còn biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc và di động.
Jobs không phải một kỹ sư phần cứng hay một lập trình viên phần mềm. Ông cũng không bao giờ nhận mình là một nhà quản lý. Ông tự coi mình là một nhà lãnh đạo công nghệ, biết chọn những người tài nhất có thể, khuyến khích và tạo cảm hứng để họ làm ra những sản phẩm đột phá thế giới.
Đó chính là phong cách mà Jobs thể hiện bao năm qua. Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, các cộng sự của ông đã phải nhận những lời chỉ trích cay nghiệt, thậm chí có tính nhục mạ. Ông không khoan nhượng cho những sai lầm. Apple có những thiết bị lừng danh thế giới, nhưng không phải không có thất bại. Và khi đó, giông tố sẽ đổ ập xuống đầu nhóm phát triển sản phẩm đó. Adam Lashinsky từng mô tả trong bài viết gây sốc đăng trên tạp chí Fortune (Mỹ) rằng Jobs dành nửa tiếng "xỉ vả" nhóm phát triển công cụ Mobile Me vì "các vị làm tổn hại thanh danh của Apple và nên tự căm ghét chính bản thân mình". Tuy vậy, ông đã tạo được sự trung thành khó tin trong đội ngũ nhân viên.
Steve Jobs khắc nghiệt nhưng tạo được
sự trung thành tuyệt đối với các công sự. Ảnh: BI.
Lối quản lý khắc nghiệt của Jobs còn thể hiện qua bài phát biểu ngắn gọn với ban lãnh đạo (Lashinsky kể lại) rằng: "Tôi hỏi người lao công sao không đổ rác trong phòng tôi, người đó giải thích không có chìa khóa. Tôi chấp nhận. Họ được quyền thanh minh vì sao và tại ai mà họ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tóm lại, một công nhân vệ sinh được phép bào chữa cho sai lầm của mình, còn người lãnh đạo thì không. Ở đâu đó giữa vị trí của người quét rác và một CEO là lằn ranh ngăn cách về quyền được bào chữa sai lầm hay không. Nếu muốn ngồi vào ghế Phó chủ tịch, các vị phải vượt qua lằn ranh đó". Đến nay, chưa phó chủ tịch nào của Apple mắc sai lầm nghiêm trọng đến mức phải bị sa thải.
Năm 2011, lần đầu tiên Jobs đồng ý tham gia viết tiểu sử về mình. Cuốn sách của tác giả Walter Isaacson sẽ tập hợp hơn 40 cuộc phỏng vấn về sự nghiệp và đời tư với Jobs trong 2 năm qua, cũng như nhận xét, đánh giá của hơn 100 thành viên trong gia đình, bạn bè, đối thủ, đối tác... Sách sẽ lên kệ vào 21/11/2011, ngay trước Lễ Tạ Ơn.
Còn Abdulfattah Jandali, cha đẻ của Jobs và hiện 80 tuổi, từng hy vọng một ngày nào đó con trai sẽ gọi cho ông và cả hai cùng thư thái uống cafe trước khi quá muộn. Đến hôm nay khi Steve Jobs vĩnh viễn ra đi, họ vẫn chưa thể gặp lại nhau.
Source: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét