Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Thông tin hướng dẫn du lịch Vientiane (Lào)

Bản đồ Vientiane: Download tại đây
Các điểm tham quan:
- Bảo tàng Quốc gia Lào (đường Samsenthai): được thành lập năm 1985 trong khuôn viên của ngôi biệt thự thời thuộc địa nhằm giới thiệu văn hóa, kiến trúc, lịch sử và chính trị của Lào.
- Wat (Vat) Ong Theu (đường Setthathilath): được xây dựng cuối thế kỷ 16 và bị phá hủy bởi người Thái. Sau đó Vat Ong Theu được xây dựng lại vào thế kỷ 19 và 20. Trong chùa có bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Vientaine và là thứ còn sót lại duy nhất sau sự phá hủy của người Thái. (Cái tên Vat Ong Theu có nghĩa là ngôi Chùa Tượng Lớn). Trong khuôn viên chùa có trường Phật giáo Sangha nơi các nhà sư từ khắp Lào thường xuyên về đây để học tập về đạo Phật.
- Wat Haw Phra Kaew (đường Setthathilath): nằm ngay cạnh Presidential Palace, được xây dựng lần đầu tiên năm 1565 theo lệnh của vua Setthathirath và bị phá hủy bởi người Thái rồi được khôi phục lại trong những năm 40 thế kỷ 20. Đây từng là một ngôi chùa xây dành riêng cho vua Lào nhưng hiện nay là một bảo tàng nghệ thuật và đồ cổ. Trong chùa trước đây có bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo do vua Setthathirath mang về từ Chiang Mai (Thái Lan). Trong cuộc xâm lược của Xiêm năm 1778, nó đã bị đánh cắp và hiện nay đang được giữ trong chùa cùng tên tại Grand Palace (Băng Cốc).
- Wat Sisaket (đại lộ Lane Xang): nằm ngay trước Presidential Palace và là ngôi chùa được giữ nguyên bản từ khi xây dựng lâu đời nhất Viên Chăn. Nó được xây năm 1818 bởi vua Chao Anou theo kiến trúc Phật giáo Xiêm và có lẽ vì vậy mà nó là ngôi chùa duy nhất còn tồn tại sau sự xâm lược của Xiêm năm 1827. Wat Sisaket gây ấn tượng bởi những hành lang với các bức tường được trang trí bằng hơn 2000 hình ảnh đức Phật bằng gốm sứ và bạc.
- Wat Si Muang (giữa đường Setthathilath và Samsenthai): là nơi thể hiện rõ nhất sự kết hợp của đức tin Phật giáo và tín ngưỡng nguyên thủy. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa này nhưng có một có điều chắc chắn Si Muang là tên của một người đàn bà mang thai cách đây khoảng 300 năm. Theo tín ngưỡng lúc đó người ta cho rằng cần phải hiến tế người để cầu xin sự che chở của các đấng thần linh. Si Muang đã nhảy xuống một cái hố đào dưới đất rồi bị ném đá đến chết và trên cái hố đó người ta cho xây dựng lên ngôi chùa này. Ngày nay Si Muang vẫn tiếp tục được tôn thờ và ngôi chùa được đặt tên bà để tưởng nhớ. Ở trong chùa còn có một cây cột bằng gạch cũ ngay gần tượng Si Muang được cho là xây lên từ chiếc hố trên. Nếu đến Viên Chăn bạn cũng có thể đến đây để làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu may theo phong tục truyền thống của Lào.
- Buddha Park (tạm dịch là Vườn Phật): còn gọi là Xieng Khuan nằm cách Viêng Chăn 25km về phía đông nam. Công viên này được xây dựng bởi Luang Pu Bunleua Sulilat (1932-1996) vào năm 1958. Sau cuộc cách mạng năm 1975 ông bỏ trốn sang Thái Lan và cho xây dựng một công trình tương tự nhưng với quy mô lớn hơn là Sala Keoku (còn gọi là Wat Khaek) nằm cách Nong Khai 3km về phía đông. Trong Buddha Park có hơn 200 bức tượng Phật giáo và các nhân vật trong Hindu giáo làm bằng bê tông. Ngoài ra còn các bức tượng mang hình ảnh con người, thần linh, động vật và ác quỷ. Có một công trình mang hình dáng một quả bí ngô khổng lồ. Bạn có thể đi vào bên trong thông qua một chiếc mồm cao gần 3m của một con quỷ và trèo lên cầu thang lên tham quan từng tầng. Có ba tầng tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường. Trên đỉnh có điểm mà bạn có thể đứng quan sát toàn cảnh Buddha Park. Ngoài ra ở đây cũng nổi bật với bức tượng Phật khổng lồ đang chống tay dài 40m. Để đến đây bạn nên đi bằng tuk tuk hoặc có cách khác là bắt xe buýt số 45 ở gần Chợ Sáng với giá vé 2000kip và khoảng 20-40 phút có một chuyến.
- Pha That Luang. Ở bất kỳ ngôi chùa nào Lào cũng phải có tháp xá lị và That Luang chính là cái lớn nhất và đẹp nhất ở Lào. Nó được coi là niềm tự hào và là biểu tượng cho quốc gia. That Luang được xây dựng lần đầu tiên năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer thế kỷ 13 và theo truyền thuyết là có chứa một sợi tóc (hoặc theo truyền thuyết khác là giẻ sương sườn) của Đức Phật được một nhà truyền giáo mang đến từ Ấn Độ. Sau đó nó bị tàn phá và đổ nát sau cuộc xâm lược của người Thái ở thế kỷ 19. Cho đến những năm 30 của thế kỷ 20, nó được người Pháp cho xây dựng lại theo kiến trúc nguyên bản với độ cao 45m. Bức tượng ngay phía trước là vua Setthathilath, người đã cho xây dựng tháp đầu tiên. Ngày xưa bốn mặt của That Luang được bao bọc bởi các ngôi chùa (Wat hoặc Vat) nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại Wat Luang Nua và Wat Luang Tai,... Hàng năm ở đây vào trung tuần tháng 11 đều diễn ra lễ hội lớn mang tính chất quốc gia là lễ hội That Luang. That Luang được coi là rất linh thiêng nên có nhiều người đến đây cầu khấn. - Patuxai (vé 3000 kip/người): Putaxai được hoàn thành cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước và được xây dựng bằng bê tông nhờ tiền viện trợ của Mỹ để xây sân bay. Putaxai nguyên gốc là đài tưởng niệm Anosavari, người đã có công đấu tranh dành độc lập từ Pháp. Đỉnh của Putaxai là địa điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh Viêng Chăn.
Xuất cảnh – nhập cảnh
Công dân Việt Nam sang Lào được miễn Visa, tuy nhiên khi xuất cảnh bạn phải đóng lệ phí xuất cảnh. Khi về lại cũng như vậy.
Đóng tiền tại cửa khẩu Việt Nam đóng bằng tiền Việt, còn tại cửa khẩu của Lào thì phải đóng bằng tiền của Lào. Cho nên cần đổi tiền trước khi đóng.



Điện thoại
Ngay tại biên giới bạn vẫn có thể sử dụng điện thoại mang SIM Việt Nam nhưng khi đi vào trong địa phận của Lào thì... Vì vậy cần mua SIM điện thoại của Lào. Mua đâu????
Liên hệ với các đại lý bán SIM điện thoại, card điện thoại tại chợ biên giới nếu không thì mua tại mấy bà chị làm dịch vụ đổi tiền là có. Khoảng 40.000đ một SIM tài khoản 80.000đ

Tiền
Người Lào dùng tiền Kip và USD
Có thể đổi tiền Việt sang tiền Lào (kip) qua các chị làm dịch vụ đổi tiền tại cửa khẩu (họ đổi cả tiền Thái và USD luôn).
Cứ 100.000VNĐ đổi được 45.000kip
Một số ngân hàng cũng có chi nhánh tại Cửa Khẩu Việt Nam. Bạn có thể liên hệ ngân hàng để đổi.
Cứ 100.000đ đổi được 50.000kip (cao hơn đổi bên ngoài).
Tiền Việt vẫn được chấp nhận tiêu thụ tại khu vực biên giới, nhưng nếu đi sâu vào Lào thì ít được chấp nhận.

Đi và về:
Máy bay
Bạn có thể sang Vientiane bằng máy bay từ Tp.HCM hoặc Hà Nội.
Từ Hà Nội:
Hiện nay có hai hãng hàng không bay tuyến Hà Nội – Vientiane là Vietnamairlines và Lao Airlines.
Giá vé khứ hồi khoảng 311 USD (luôn thuế và phụ phí), tổng thời gian bay 65 phút.

Từ TP.HCM:
Hiện chỉ có Vietnam Airline bay tuyến Tp.HCM – Vientiane với tần suất mỗi ngày một chuyến (bay bằng máy bay Airbus A320). Tuyến này có quá cảnh ở Phnom Penh (Campuchia). Tổng thời gian bay 130 phút (nếu kể cả thời gian chờ quá cảnh là 185 phút). Giá vé khứ hồi khoảng 421 USD (luôn thuế và phụ phí).

Vietnam Airlines
Trung tâm đặt giữ chỗ qua điện thoại
Miền Bắc: 04-38320320
Miền Nam: 08-38320320
Miền Trung: 0511-3811111

Lao Airlines
Số 40 đường Quang Trung, Hà Nội
Điện thoại: (04 ) 3942 5362
FAX: (04 )942 5363
E-mail : laoairlines.han@fpt.vn
Sân bay quốc tế Wattay cách thủ đô Vientiane 4km về phía Bắc. Từ đây, bạn có thể đi vào trung tâm thủ đô Vientiane bằng taxi tốn khoảng 6usd hoặc để tiết kiệm hơn bạn có thể đi bộ khoảng 500m để ra đến cổng của sân bay, bắt xe tuk tuk đi vào Thủ đô Vientiane (giía khoảng 2usd).
Đường bộ
Thông qua các cửa khẩu đường bộ Việt Nam – Lào.
- Taichang - Sobhoun, Lai Châu đến Phongsaly.
- Nameo - Nam Soy , Thanh Hóa đến Huaphanh.
- Namkan - Namkan, Nghệ An đến Xieng Khouang.
- Keoneua - Nampao (Lak Sao), Hà Tĩnh đến Bolikhamxay.
- Napao - Chalo, Quảng Bình đến Khammouane.
- Laobao - Dansavanh, Quảng Trị đến Savannakhet.

Một số tỉnh thành tại Việt Nam có xe Open tour đi thẳng đến Vientiane là: Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, ….


Bạn cũng có thể đi xe đến cửa khẩu gần nhất để sang Lào, từ cửa khẩu sẽ có xe chạy đến thành phố, thị xã gần nhất của Lào. Từ đó mới có xe đi Vientiane.

Từ Nha Trang, Bình Định, Phú Yên,… Đi xe của Mailinh hoặc một số tuyến xe của người dân địa phương sang Champasak, từ đây bắt xe đi Vientiane.

Các xe đi Vientiane thông thường sẽ dừng tại
. Bến xe phía Bắc: Cách trung tâm Vientiane khoảng 2km.
Điện thoại: 260255
. Bến xe phía Nam: tên gọi của người dân địa phương là Dong Dok hay khíw lọt lák kão. Bến xe này cách Vientiane 9km. Xe từ Việt Nam sang thường dừng ở đây.
Điện thoại: 740521

Tại Vientiane còn có một bến xe khác là bến xe Talat Sao
Bến xe này là nơi tập trung chủ yếu của các tuyến xe Bus địa phưưong, xe đi cac tỉnh trong lãnh thổ Lào và xe đi Thái.
Điện thoại: 216507

Đi lại tại Lào
Tuk tuk
Là phương tiện phổ biến tại Lào. Nên thỏa thuận giá với tài xế trước khi đi. Giá cả sẽ tùy thuộc vào chặng đường bạn đi.

Xe đạp, xe máy:
Thuê xe đạp với giá từ 0,5usd đến 2usd một ngày tại các văn phòng du lịch hoặc tại các nhà nghỉ.
Riêng giá thuê xe máy thì khoảng 20usd/ngày.

Xe Bus
Xem các tuyến xe Bus chạy tại Vientiane dưới đây (click vào hình để xem rõ hơn)




Đi bộ

Lào khá yên tĩnh nên bạn có thể đi bộ đểv dạo bước từng con đường để khám phá xứ “triệu Voi”.

Mua vé xem seagame 25th
Khách du lịch VN có thể mua vé xem các trận của đội tuyển bóng đá VN tại Lào ở các quầy bán vé ngay trước địa điểm Ủy ban TDTT Lào tại Vientiane.
Ngoài ra, nếu muốn đặt vé trước, người hâm mộ có thể lên trang web của SEA Games 25 ở địa chỉ: http://www.laosog.com/ để đặt vé.
Riêng vé khai mạc và bế mạc của SEA Games 25, đến ngày 26-11 ban tổ chức SEA Games 25 của Lào cho biết chỉ còn 300 vé (vé khai mạc đi kèm vé bế mạc nên phải mua cả đôi).
Xem giá vé tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét