Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

CEO Xerox: Ursula M. Burns - Người khoác áo mới cho Xerox

Ngày 21-5-2009 có thể xem là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời Ursula M. Burns khi bà nhận thông báo được chọn làm Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn công nghệ in ấn Xerox kể từ ngày 1-7 qua một bức thư điện tử (e-mail) khi đang bay đi châu Âu gặp đối tác.

Cách đây 10 năm, đôi bạn Anne M. Mulcahy và Ursula M. Burns đã nổi lên như một cặp nữ tướng đồng cam cộng khổ để cứu con thuyền Xerox khi tập đoàn này đang bên bờ vực phá sản. Nhưng sự chuyển giao quyền lực từ Anne sang Ursula mới là sự kiện nổi bật vì đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn của Mỹ nằm trong danh sách Fortune 500 có một nữ CEO là người gốc Phi.

Khi Xerox kỷ niệm 100 tuổi vào năm 2006, nhiều người vẫn còn nhớ rõ giai đoạn khó khăn cách đó năm năm, khi mà 40% nhân sự đã rời bỏ “ngôi nhà” của mình, 57.100 trong tổng số 94.600 người chấp nhận ở lại hợp sức đưa Xerox vượt qua sóng gió.

Trong thế giới công nghệ, Xerox được nhắc đến như một thương hiệu hàng đầu về in ấn và sao chép. Nhãn hiệu Xerox Phaser từ lâu đã đồng nghĩa với các loại máy photocopy, một trang thiết bị không thể thiếu trong các văn phòng. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn này đã bắt đầu từ hai thập kỷ trước đó, dưới đời các CEO là David Kearns và Paul Allaire và theo đánh giá của giới chuyên gia nguyên nhân nằm ở sự bảo thủ và trì trệ. Các đối thủ như Canon, Hewlett-Packard lần lượt qua mặt và chiếm thị phần của Xerox trên thị trường. Chính Burns vào năm 2000 cũng từng suy nghĩ đến việc ra đi nhưng rồi quyết định ở lại.

Người phụ nữ mạnh mẽ

Ursula M. Burns xin làm việc nội trú mùa hè ở Xerox vào năm đầu tiên của thập kỷ 1980, khi vừa tốt nghiệp Viện Kỹ thuật New York (NYIT). Năm 1981, cô chính thức gia nhập tập đoàn với tấm bằng thạc sĩ ngành Cơ khí chế tạo của trường Đại học Columbia. Chào đời ngày 20-9-1958 bởi một người mẹ đơn thân, Ursula được cho ăn học đến nơi đến chốn để trở thành một mẫu phụ nữ New York điển hình với tính cách được nhận xét là thẳng thắn, nhận thức sắc bén và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Có thể thấy được sự tự hào là một người gốc Phi nơi cô khi cô luôn tự nhắc mình bằng dòng chữ “Don’t do anything that wouldn’t make your Mom proud” (Đừng làm điều gì xúc phạm đến niềm tự hào của Mẹ) trên một tấm bảng gắn trên tường của phòng làm việc.

Năng lực lãnh đạo của Burns đã được ban giám đốc doanh nghiệp nhận ra từ rất sớm. Tháng 1-1990, cô được chọn làm phụ tá điều hành cho vị giám đốc kỳ cựu Wayland Hicks và rồi từ tháng 6 năm đó tiếp tục đảm nhận chức vụ này cho vị CEO Paul Allaire trong suốt thập niên 1990. Xerox vào các năm cuối 1990 tụt dốc rất nhanh so với niềm tự hào của một tập đoàn công nghệ hàng đầu. Những cố gắng tưởng như tuyệt vọng của Burns trong việc thúc đẩy thay đổi chiến lược sản xuất từ các máy photocopy in màu hay trắng đen kiểu cũ sang các loại trang thiết bị văn phòng có khả năng kết nối vào mạng Internet cuối cùng cũng được thực hiện cho dù muộn màng. Năm 1999, Xerox rời bỏ hệ thống điều khiển analog để ứng dụng hệ thống kỹ thuật số (digital). Nhưng ước vọng đa dạng hóa các loại máy khác nhau dùng cho văn phòng cùng định hướng kinh doanh các phần mềm điều khiển công nghệ sao chép in ấn vẫn không thể thực hiện được vì tập đoàn đang phải đối phó với các khoản nợ lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà Mulcahy chuyển quyền điều hành tập đoàn cho Burns vào năm 2009. Câu chuyện “Xerox’s Dynamic Duo” (hai nữ tướng của Xerox) đăng trên tạp chí Fortune năm 2007 cho thấy đã có sự hợp tác chặt chẽ và phân chia quyền lực tế nhị giữa hai người phụ nữ kể từ khi họ quyết định chung tay lèo lái để cứu con thuyền Xerox vào năm 2001. Lần thứ hai tờ Business Week dùng chữ “accidental CEO” (CEO bất ngờ) khi nhận tin lần đầu tiên có một người phụ nữ da đen chiếm vị trí CEO của Xerox. Trước đó, họ đã gán danh hiệu này cho Mulcahy vốn xuất thân là một nhà báo. Trên thực tế, hai người luôn gắn bó và cảm thấy rất cần nhau. Anne có sở trường về bán hàng và quản lý nhân sự trong khi Ursula hiểu biết sâu về công nghệ và có năng khiếu phát triển sản phẩm mới. Nhiệm vụ của Mulcahy là giữ cho Xerox khỏi bị phá sản và tìm cách lấy lại cân bằng thu chi. Việc này phải mất chín năm và nay đến lúc giao lại cho Burns, người vốn hiểu biết sức mạnh của công nghệ và sáng tạo, thực hiện nốt chức năng phục hồi tốc độ tăng trưởng và vị thế hàng đầu cho Xerox.

Công nghệ và sáng tạo là chìa khóa


Sự hiểu biết về công nghệ và sáng tạo là bí quyết và cũng là phương tiện mà Burns sử dụng để chinh phục các thị trường đồng thời phục hồi vị thế của Xerox. Nhờ kiến thức kỹ thuật và năng lực điều hành, Burns không chỉ tạo sự đồng thuận giữa ban giám đốc mà còn khơi dậy niềm tin và tinh thần cống hiến nơi các nhân viên. Người ta thấy sự biến mất của các máy photocopy đen trắng và màu nhãn hiệu Xerox Phaser, thay vào đó là dòng máy Electronics với các tính năng hiện đại. Người ta cũng chứng kiến sự thay thế các loại máy in và máy sao chụp đứng (stand-alone) bằng hệ thống các trang thiết bị văn phòng khác nhau được điều khiển bằng máy vi tính. Khi mà các chủ doanh nghiệp hạn chế sử dụng giấy để giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường thì Xerox đầu tư vào việc nghiên cứu các loại mực khô làm cho công nghệ in màu không còn đắt đỏ. Vì vậy khi số lượng trang in đen trắng giảm đi 7% trên toàn thị trường thì trang in màu tăng thêm đến 9%. Xerox có được biên độ lợi nhuận cao hơn kèm với doanh số bán các loại máy, mực và giấy in cũng tăng theo.

Tập trung vào các trang thiết bị văn phòng kết nối mạng Internet, sản phẩm của Xerox được đa dạng hóa. Từ màn hình LCD đến các thế hệ máy photocopy hiện đại. Từ các máy fax đến các máy quét (scanner). Từ các loại giấy chuyên dụng đến các loại mực màu in khô. Từ các máy in đa năng đến máy in văn phòng (printer) và các loại máy in công xưởng (press) điều khiển hoàn toàn tự động bởi chương trình điện toán mang nhãn FreeFlow. Cuối cùng là dịch vụ cung cấp các phần mềm quản lý và in ấn như Xerox DocuShare, Xerox MarketPost và FlowPost. Chỉ sau năm năm, doanh thu của các thế hệ máy in nối mạng đã tăng 13 lần, đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009. Theo sau sự hiện diện của Xerox tại cuộc triển lãm IPEX 2006, Xerox FreeFlow đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong cả hai thị trường thiết kế nghệ thuật đồ họa và kỹ nghệ in ấn.

Khoác áo mới cho Xerox

Không lâu sau khi ngồi vào chiếc ghế CEO, tháng 9-2009, Burns bắt đầu thương lượng để mua lại một tập đoàn công nghệ khác cũng nằm trong danh sách Fortune 500. Người ta nhận ra sự táo bạo và liều lĩnh của bà khi chính bản thân Xerox chưa thực sự vượt qua cơn khủng hoảng. Ursula đã từng nói rằng sự nhạy bén đã mách bảo bà chọn cách thức mua sự vững vàng của một công ty khác để bảo đảm sự sống còn cho chính công ty mình. Thương vụ kết thúc ngày 8-2-2010 và Affiliated Computer Services (ACS) sáp nhập vào Xerox với giá trị hợp đồng là 6,4 tỉ đô la Mỹ đi kèm theo đó là 74.000 nhân sự, nâng lượng nhân viên của “Xerox mới” từ 54.000 lên con số 138.000. Đây có thể là một bất ngờ lớn nhất trong số các bất ngờ mà Burns đã tạo ra trước sự kinh ngạc của những người từng trải trong tập đoàn.

ACS vốn là một công ty chuyên cung ứng dịch vụ gia công CNTT (IT outsourcing) và dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO – business process outsourcing) cho hàng trăm khách hàng lớn là doanh nghiệp và chính phủ. Trả lời phỏng vấn trên tờ MarketPlace ngày 18-5-2011, Burns nói rằng sự kiện mua lại ACS là việc làm liều lĩnh có tính toán, bởi đây không đơn thuần là một công ty dữ liệu điện toán (data company) mà là công ty sản xuất và cung ứng các phần mềm kinh doanh (business processing company) cho các ngành nghề khác nhau thông qua hình thức BPO.

Ngoài những khách hàng truyền thống mà ACS mang lại, Burns nhắm đến việc cung cấp các giải pháp kỹ nghệ in ấn từ thị trường Mỹ đến châu Âu và các thị trường mới nổi. Kèm theo đó là các kế hoạch gia tăng doanh số bán các loại máy văn phòng nối mạng Internet không chỉ cho các công ty in ấn lớn mà cả các văn phòng thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty nghiên cứu thị trường dự báo mảng lợi nhuận dịch vụ của “Xerox mới” sẽ tăng lên gấp ba lần, từ 3,5 tỉ lên 10 tỉ đô la mỗi năm. Trước mắt, với sự sáp nhập ACS vào Xerox doanh số của tập đoàn bắt đầu tăng nhanh, từ 15 tỉ đô la trong năm 2009 lên hơn 21 tỉ đô la năm 2010.

Có lẽ các phương tiện truyền thông sẽ còn nói nhiều đến Ursula M. Burns như một người con đáng tự hào của đất mẹ châu Phi, một vị lãnh đạo doanh nghiệp quả quyết và dám chấp nhận rủi ro, và một nhà quản trị biết cách lật ngược tình thế khó khăn. Đường đi của Burns có thể còn dài, nhưng người phụ nữ này xứng đáng để đứng trên bục nói với sinh viên nhân lễ phát bằng tốt nghiệp khóa 145 của Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) hôm 3-6 vừa qua rằng: “Thế giới cần đến các bạn hơn bao giờ hết. Chúng tôi cần tinh thần khám phá và khát vọng hiểu biết của các bạn”.

Source: Thesaigontimes.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét